Bồ kết là một loại cây, cũng như một loại thảo dược vô cùng quen thuộc với người Việt Nam. Có thể tìm thấy cây bồ kết tại các tỉnh miền Bắc nước ta như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An. Riêng đảo Cát Bà (Hải Phòng) ước tính có tới 40.000 cây, hàng năm cho tới 40 tấn bồ kết.
Cây bồ kết (hay còn gọi là chùm kết, tên khoa học: Fructus Gleditschiae) khi thoạt nhìn có thể tạo cảm giác hơi đáng sợ vì trên thân cây có nhiều gai mọc tua tủa. Tuy nhiên, đây là một loại cây dễ trồng, có thể tồn tại qua hàng thế kỷ. Quả, hạt và gai bồ kết có thể được sử dụng để làm dược liệu.
Bồ kết là loại cây gỗ lớn mọc nhanh, có thể cao tới 30m. Bồ kết rụng lá vào mùa đông và lá non sẽ mọc vào cuối mùa xuân năm sau. Mùa hoa nở vào tháng 5 - tháng 7, mùa quả thường rơi vào tháng 8 - tháng 10. Cây trồng bằng hạt sau 4 năm sẽ ra hoa và quả lứa đầu tiên, các năm sau lứa quả sẽ nhiều hơn.
Quả bồ kết dài, cong queo và "lép kẹp", bên trong là các hạt bồ kết màu trắng ngà. Quả bồ kết sẽ được thu hái khi chín khô, có tính ôn, vị mặn, khi làm thuốc sẽ loại bỏ hạt, có thể dùng sống hoặc tẩm nước cho mềm sau đó sấy khô, trong một số trường hợp có thể đốt thành than hoặc tán thành bột.
Quả bồ kết khô tại Việt Nam thường có giá 120-130.000 đồng/kg, thời kỳ cao điểm năm 2020 có giá 170.000 – 200.000 đồng/kg. Nhiều người Việt thấy đó đã là mức giá rất cao, tuy nhiên, theo báo Dân Việt, quả bồ kết khô ở Trung Quốc còn được bán với giá lên tới 600 NDT/kg, tương đương hơn 2 triệu đồng.
Điều trị bệnh lý về da đầu
Một số thành phần trong bồ kết có tác dụng giúp loại bỏ vảy gàu, nước sắc từ quả và gai bồ kết giúp ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn. Do đó, sử dụng bồ kết gội đầu có thể giúp điều trị một số bệnh lý da liễu như nấm da đầu, viêm da tiết bã nhờn.
Các sản phẩm dầu gội Việt Nam chiết xuất từ bồ kết rất được ưa chuộng tại thị trường nước ngoài do người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các dòng sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Ngoài ra, saponaretin, flavonoizit – hai thành phần chính trong quả bồ kết có tác dụng cân bằng hoạt động của tuyến bã nhờn trên da đầu, giúp giảm số lượng tóc gãy rụng và phục hồi nang tóc. Trong khi đó, canxi, protein và các khoáng chất trong quả bồ kết giúp nuôi dưỡng chân tóc, duy trì mái tóc bóng mượt.
Trị mụn nhọt ngoài da
Các thành phần trong quả bồ kết, với tác dụng ức chế tụ cầu vàng và nấm, có thể giúp điều trị mụn nhọt ngoài da. Ngâm rửa vùng da bị tổn thương với nước sắc bồ kết có thể giúp ức chế vi khuẩn gây nhiễm trùng, phục hồi mô da.
Điều trị viêm nhiễm hô hấp
Quả bồ kết còn có tác dụng điều trị bệnh lý viêm nhiễm hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh, viêm amidan, viêm họng do vi khuẩn, virus…
Mặc dù quả bồ kết đã được người Việt sử dụng lâu đời và duy trì mức giá khá ổn định nhưng vào thời điểm năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bồ kết khô bất ngờ lên cơn sốt, người dân đua nhau mua về xông nhà. Điều này khiến giá bồ kết khô tăng gấp đôi ngày thường.
Theo ghi nhận của Vietnamnet, trên các diễn đàn mạng xã hội, người dân truyền nhau kinh nghiệm xông nhà bằng quả bồ kết, ví dụ như cho bồ kết vào nồi đất, thậm chí cho vào nồi chiên không dầu. Khói bồ kết thoát ra từ phía sau của nồi chiên sẽ giúp làm sạch nhà cửa.
Mặc dù chưa có cơ sở khoa học nào cho các phương pháp này nhưng nhiều người vẫn đổ xô mua bồ kết khô xông nhà, khiến mặt hàng này tăng giá mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia trong ngành công nghệ sinh hoạch và thực phẩm, khói bồ kết có thể giúp chống suy hô hấp, khó thở. Phương pháp đốt bồ kết xông nhà thường được mọi người sử dụng vào mùa đông để chống nghẹt mũi.
Ngoài ra, bồ kết có hương thơm, khi đốt xông nhà có thể tạo cảm giác dễ chịu, đồng thời chống muỗi. Tuy nhiên, ông Thịnh cho biết, phương này không diệt được virus, vi khuẩn như nhiều người nghĩ.
Trong khi đó, theo lương y Nguyễn Hồng Siêm (Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội), phương pháp đốt bồ kết này không phải đều tốt với tất cả mọi người, vẫn có một số trường hợp cần lưu ý không xông bồ kết tại nhà.
Ví dụ như những người có dấu hiệu ho ra máu, nôn ra máu, những người mắc bệnh về đường tiêu hóa, bệnh dạ dày, tá tràng, tỳ vị yếu, phụ nữ đang mang thai. Việc xông bồ kết cũng cần chú ý đến liều lượng tối đa, tránh việc lạm dụng quá nhiều.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn