Hai cách ăn sấu sai nhiều người gặp phải
Hiện đang vào mùa sấu, đây là loại quả quen thuộc với nhiều người. Đáng nói, đa số mọi người sử dụng sấu khi quả còn xanh bằng cách ngâm siro hoặc kết hợp chế biến các món ăn quen thuộc. Tuy nhiên, dù là ăn trực tiếp hay uống dưới dạng ngâm siro cũng cần phải lưu ý một số điều để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, bản chất quả sấu không hề gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách và hợp lý. Tuy nhiên, rất nhiều người dùng theo sở thích, thói quen bấy lâu nay khiến sức khỏe bị ảnh hưởng.
Cụ thể, với nước siro sấu, khi ngâm thường được cho rất nhiều đường và lúc uống mọi người hay pha ngọt. Bác sĩ Hưng cho rằng, điều này không nên vì như vậy lượng đường nạp vào cơ thể rất nhiều, không có lợi cho sức khỏe. Do vậy, khi sử dụng cần pha loãng, ngoài ra không vì ngon hoặc nắng nóng mà sử dụng nước siro sấu thường xuyên, chỉ nên dùng 2-3 lần/tuần.
Sấu dầm thường cay và mặn nên mọi người không nên ăn nhiều. Ảnh minh họa.
Một vấn đề nữa bác sĩ Hưng cũng đặc biệt lưu ý, đó là việc nhiều người thích dùng sấu làm đồ ăn vặt theo mùa và trộn rất nhiều muối ớt. Việc làm này có thể làm tăng vị ngon khi ăn, nhưng xét về khía cạnh dinh dưỡng lại không hề tốt. Bởi việc sử dụng quá nhiều muối sẽ gây nên các vấn đề về thận, tim mạch và là nguyên nhân gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Không chỉ có vậy, ăn quá cay cũng gây hại cho dạ dày.
Đừng ngâm sấu khi quả còn non
Nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trong Đông y quả sấu có tính bình, vị chua chát khi còn xanh và ngọt khi quả chín. Quả sấu là vị thuốc được sử dụng từ lâu với tác dụng giải khát, sinh tân dịch, giải độc, giải say rượu, phòng nôn khi thai nghén…
Nghiên cứu khoa học hiện đại cho thấy, quả sấu chín có 86% nước, 1% axit hữu cơ, 1.3% protit, 8.2% gluxit, 2.7% xenluloza, 100mg% canxi, 44mg% Phospho, vết sắt và 3mg% vitamin C.
Lương y Đắc Sáng cho biết, cách sử dụng quả sấu cũng khá khác biệt so với các loại quả khác, bởi nó được dùng phổ biến khi quả còn xanh, còn khi đã chín chỉ dùng để ăn chơi. Trong khi đa số các loại quả khác được sử dụng khi đã chín.
Ông Sáng cho rằng, với quả sấu xanh có thể ăn trực tiếp. Khi quả còn non, hạt chưa cứng có thể dùng để nấu canh chua với cá, vịt hoặc dầm cùng nước luộc rau. Khi quả sấu già nhưng vẫn còn xanh, ngoài việc sử dụng như trên có thể dùng để ngâm siro làm nước uống giải khát, nhất là vào mùa hè.
Khi ngâm sấu thường cho rất nhiều đường, vì thế khi uống cần pha loãng và không uống thường xuyên - Ảnh minh họa
Sở dĩ quả sấu được khuyến cáo dùng khi già, cứng hạt để ngâm siro vì khi non, dù cùi nhiều nhưng hạt mềm, khi ngâm với đường sẽ dễ bị ủng, nát và có mùi. Do vậy, lương y Sáng khuyến cáo không dùng sấu non để ngâm siro.
Có rất nhiều người có thói quen cạo vỏ sấu khi sử dụng, vị chuyên gia này cho rằng, việc làm này không ảnh hưởng đến chất lượng quả sấu khi ăn. Ngoài ra, cạo vỏ sấu cũng là biện pháp đảm bảo vệ sinh trước khi sử dụng, vì ngoài vỏ có thể nhiễm vi khuẩn, tạp chất hoặc ký sinh trùng. Trường hợp không cạo vỏ, rửa sạch trước khi ăn cũng không ảnh hưởng gì tới sức khỏe, tuy nhiên khi đó sẽ có vị chát nhiều hơn.
Ai không nên ăn sấu
Lương y Bùi Đắc Sáng cho rằng, dù là loại quả được nhiều người ưa chuộng trong mùa hè, nhưng khi sử dụng cần lưu ý một số điểm để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể, sấu có vị chua vì thế người có vấn đề về viêm loét dạ dày không nên sử dụng ở bất cứ hình thức nào. Bởi axít có trong quả sấu dù là ít nhưng cũng có thể gây tăng nặng tình trạng viêm, đau dạ dày.
Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng không nên dùng loại quả này, nhất là trẻ dưới 1 tuổi do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, khi sử dụng có thể gặp tác hại không mong muốn. Người lớn tuổi cũng không nên ăn trực tiếp quả sấu xanh, vì khi đó ngoài vị chua thì cùi sấu cứng, gây khó khăn cho tiêu hóa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn