Cây sổ hay còn được gọi với nhiều cái tên khác như cây sổ bà, thiều biêu, trong tiếng Thái còn được gọi là Ma Sản là một loại quả rừng trước đây ít người biết tới. Loại quả này lạ lùng từ cái tên đến hình dáng bên ngoài. Chúng thường phân bố ở Nam Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ… Ở Việt Nam, cây sổ thường xuất hiện ở các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình.
Cây sổ là loại cây thân gỗ to, cao từ 15-20m, vỏ thân xù xì có những vết sẹo của lá hình lưỡi liềm. Lá cây to có hình bầu dục hai đầu nhọn, mép khía răng cưa rất đều, phiến lá dài 13-30cm, rộng 5-10cm, 15-23 đôi gân nổi rõ ở mặt dưới. Hoa to mọc đơn độc ở kẽ lá, đường kính tới 10cm.
Quả sổ có hình cầu, đường kính 10cm hoặc to hơn. Phần đài tồn tại, phát triển thành bản dày mọng nước vị chua ăn được như chanh. Cây sổ ra hoa vào khoảng tháng 3 đến tháng 5, quả bắt đầu vào mùa là tháng 8 – 10.
Cây mọc hoang dại ở vùng rừng núi, đặc biệt dọc bờ sông, bờ suối. Cây rất sai quả, phần ăn được của quả chính là phần lá đài tồn tại và phát triển thành bản mọng nước. Được biết, cây sổ là loại cây hay mọc ở ven suối, khe nước, vỏ thân cây có màu hơi đỏ, lá to, hoa sổ màu trắng, quả màu xanh, khi chín hơi vàng. Quả sổ được rất nhiều người vùng núi phía Bắc, đặc biệt là Tây Bắc dùng để ăn sống chấm với muối hoặc nấu canh.
Cây sổ cũng thường được dùng để làm thuốc, người ta hái lá về dùng tươi hay phơi, sấy khô hoặc sao cho khô thơm mà dùng. Mùa thu hái lá gần như quanh năm.
Khi thưởng thức, quả sổ có vị chua khiến cho những ai đã từng nếm thử đều sẽ ứa nước miếng khi nghĩ đến. Quả sổ thường dùng để ăn tươi chấm với muối ớt hoặc đem nấu canh chua, canh cá… Nhiều nơi còn đem nó đi làm mứt, pha làm nước giải khát. Ngoài ra, lá của nó còn là một vị thuốc tốt, có công dụng chữa ho, sốt, đầy bụng, giải độc... Lá có thể dùng ở dạng lá tươi hoặc đem đi phơi, sấy, sao khô dùng làm thuốc giải độc, chữa ho, sốt, đầy bụng.
Chính vì sự đặc biệt của loại quả này mà quả sổ là một trong những loại trái cây đặc sản của vùng núi Lạng Sơn. Có dịp về các tỉnh Tây Bắc thưởng thức các món ăn của người dân tộc Thái, chắc chắn không thể bỏ qua món vịt om sổ nổi tiếng với câu ca dao "vịt già om trái sổ/ ăn ngon bỏ quên đời".
Nước dùng của món vịt om sổ chỉ sền sệt thôi, chắt nước rưới vào bát cơm trắng nóng hổi rồi trộn đều lên, vị béo ngậy của mỡ vịt hòa vị chua của sổ giúp cho hạt cơm trắng dẻo quen thuộc ngày thường ăn bỗng trở nên lạ hơn. Cái vị chua của quả sổ không giống bất cứ một loại chua nào khác, nó đặc biệt, và khác biệt hoàn toàn.
Ở thành phố, để tìm mua loại quả này là khá khó. Bạn phải đặt mua online từ các mối lấy hàng Tây Bắc. Giá của quả sổ rơi vào khoảng từ 60.000-70.000 đồng/kg.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn