Loại rễ cây được nhắc đến ở đây là rễ cây nữ lang. Loại rễ cây này có chứa một số chất có tác dụng an thần, giúp ngủ ngon và các tác dụng khác như hạ huyết áp, giảm đau bụng kinh, giảm triệu chứng ở những người mắc hội chứng chân không yên.
Nữ lang là một loài thực vật có hoa sống lâu năm thuộc họ Valerianaceae. Cây có hoa màu hồng hoặc trắng thơm ngọt nở vào mùa hè. Loại cây này có nguồn gốc từ Châu Âu và một số vùng Châu Á, và hiện nay cũng mọc ở Bắc Mỹ.
Bộ phận của cây nữ lang thường được sử dụng trong y học là rễ. Không giống như những bông hoa có mùi thơm nhẹ nhàng, rễ cây nữ lang có mùi rất nồng khiến nhiều người cảm thấy khó chịu.
Rễ cây nữ lang chứa tinh dầu dễ bay hơi, bao gồm axit valerenic, sesquiterpenes ít bay hơi hơn và valepotriates (este của axit béo chuỗi ngắn). Các thành phần hoạt tính này có thể có khả năng tạo ra tác dụng làm dịu và phục hồi hệ thần kinh trung ương của rễ cây.
Dưới đây là những lợi ích nổi bật của rễ cây nữ lang
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng rễ cây nữ lang, đặc biệt là axit valerenic trong loại rễ này có tác dụng làm tăng lượng chất dẫn truyền thần kinh ức chế trong hệ thần kinh trung ương (GABA) thông qua các thụ thể GABA.
Các loại thuốc như alprazolam (Xanax) và diazepam (Valium) cũng hoạt động bằng cách tăng lượng GABA trong não. Axit valeric, axit valerenic và valerenol có trong chiết xuất rễ cây nữ lang hoạt động như thuốc chống lo âu.
Một trong những lợi ích được nghiên cứu nhiều nhất của rễ cây nữ lang là khả năng cải thiện giấc ngủ.
Nghiên cứu cho thấy rằng dùng rễ cây nữ lang có thể làm giảm thời gian đi vào giấc ngủ cũng như cải thiện chất lượng và số lượng giấc ngủ.
Một đánh giá năm 2021 cho biết rễ cây nữ lang có thể giúp bạn ngủ ngon hơn là nhờ thay đổi hoạt động của axit gamma-aminobutyric (GABA - chất dẫn truyền thần kinh ức chế trong hệ thần kinh trung ương) và có thể tương tác trực tiếp với serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng khác liên quan đến giấc ngủ).
Đặc biệt, rễ cây nữ lang thường được kết hợp với các loại thảo mộc an thần khác, chẳng hạn như hoa bia (Humulus lupulus) và tía tô đất (Melissa officinalis), để điều trị các chứng rối loạn giấc ngủ.
Các thành phần hoạt tính tương tự góp phần vào tác dụng của cây nữ lang trong việc kiểm soát lo âu và bồn chồn cũng có thể giúp cơ thể điều chỉnh huyết áp đúng cách và giữ mức huyết áp ở mức khỏe mạnh, qua đó cũng có thể thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Những người bị huyết áp cao có thể sử dụng rễ cây nữ lang để kiểm soát huyết áp của mình.
Bản chất giúp thư giãn của rễ cây nữ lang có thể làm giảm đau bụng kinh một cách tự nhiên. Loại rễ cây thảo dược này có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và khó chịu của đau bụng kinh do kinh nguyệt hoặc tiền kinh nguyệt.
Rễ cây nữ lang như là thuốc an thần và chống co thắt tự nhiên, có nghĩa là rễ cây này có thể ức chế co thắt cơ và hoạt động như một chất làm giãn cơ tự nhiên.
Rễ cây nữ lang có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa do mãn kinh theo nhiều cách. Cây nữ lang có thể làm giảm cường độ của các cơn bốc hỏa và số lần bốc hỏa mà bạn gặp phải.
Trong một nghiên cứu năm 2018, dùng 1.060 mg cây nữ lang mỗi ngày trong 2 tháng giúp giảm các cơn bốc hỏa ở phụ nữ sau mãn kinh.
Năm 2009, một nghiên cứu kéo dài 8 tuần ở những người mắc hội chứng chân không yên cho thấy dùng 800 mg cây nữ lang mỗi ngày giúp cải thiện các triệu chứng và giảm tình trạng buồn ngủ ban ngày.
Mặc dù cần nhiều bằng chứng hơn, nhưng có những nghiên cứu chỉ ra rằng axit valeric có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vú. Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Scientific Reports phát hiện ra rằng chiết xuất cây nữ lang làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư vú và axit valeric có liên quan đến sự di chuyển và hình thành khuẩn lạc của tế bào ung thư vú.
Mặc dù rễ cây nữ lang thường được coi là an toàn, nhưng có thể xảy ra các tác dụng phụ.
Mặc dù tác dụng phụ khi dùng rễ cây nữ lang là không phổ biến nhưng một số người có thể gặp phải các triệu chứng như:
+ Đau đầu
+ Yếu đuối
+ Chóng mặt
+ Các vấn đề về dạ dày như tiêu chảy và đau bụng
+ Những giấc mơ sống động
+ Vị kim loại trong miệng
+ Mệt mỏi
Có rất ít hoặc không có báo cáo nào về tác dụng phụ nghiêm trọng của cây nữ lang. Phần lớn, nếu có xảy ra, tác dụng phụ của cây nữ lang thường nhẹ. Tuy nhiên, một số người có thể bị rối loạn tim hoặc tinh thần trì trệ.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, rễ cây nữ lang có liên quan đến tổn thương gan. Do vậy, bạn nên tránh dùng cây nữ lang nếu bạn bị bệnh gan.
- Không có đủ thông tin về tính an toàn của rễ cây nữ lang trong thời kỳ mang thai. Những người đang mang thai hoặc cho con bú được khuyên nên tránh sử dụng rễ cây nữ lang. Một số hóa chất trong rễ cây nữ lang bị nghi ngờ gây hại cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.
- Trẻ em dưới 3 tuổi cũng không nên sử dụng loại rễ thảo dược này vì sự an toàn của rễ cây nữ lang chưa được thử nghiệm ở trẻ em dưới 3 tuổi.
- Không nên dùng rễ cây nữ lang với các loại thuốc, thực phẩm bổ sung có tác dụng an thần, điều trị mất ngủ và rượu vì có thể khiến bạn mệt mỏi hoặc ngủ quá nhiều.
- Rễ cây nữ lang cũng có thể làm tăng tác dụng gây mê. Nếu bạn dự định phẫu thuật, hãy thông báo cho bác sĩ và bác sĩ gây mê rằng bạn đang dùng rễ cây nữ lang.
Nhìn chung, nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy hỏi bác sĩ xem liệu việc dùng rễ cây nữ lang có an toàn hay không.
Các chất bổ sung rễ cây nữ lang không có liều lượng được xác định rõ ràng. Điều này là do thiếu nghiên cứu chất lượng cao trên người.
Trong một số nghiên cứu, mọi người đã dùng tới 900 mg chiết xuất rễ cây nữ lang mà không có tác dụng phụ lớn. Các nghiên cứu khác đã sử dụng liều lượng nhỏ hơn khoảng 400 đến 600 mg rễ cây nữ lang mỗi ngày.
Theo Healthline, liều 450 - 1.410 mg toàn bộ rễ cây nữ lang mỗi ngày trong 4-8 tuần có thể giúp hỗ trợ chất lượng giấc ngủ.
Để giảm căng thẳng, một số chuyên gia đề xuất liều 400-600 mg chiết xuất cây nữ lang hoặc liều 0,3-3 gam rễ cây nữ lang tối đa 3 lần mỗi ngày.
Liều từ 530-765 mg mỗi ngày có thể có hiệu quả để giảm lo âu và các triệu chứng OCD, trong khi liều từ 765-1.060 mg có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa trong và sau thời kỳ mãn kinh
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn