Loại thảo mộc ngọt hơn đường gấp 200 đến 400 lần nhưng lại rất tốt cho sức khỏe

09:46 | 25/03/2024;
Cỏ ngọt ít calo, không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và chứa các hợp chất đã được chứng minh là có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Cỏ ngọt có tên khoa học là Stevia rebaudiana, là một loại thực vật có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Cỏ ngọt ngọt hơn đường ăn khoảng 200 đến 400 lần và là chất làm ngọt không chứa carbohydrate, calo hoặc thành phần nhân tạo. Người ta thường lấy lá cỏ ngọt để làm trà hoặc sử dụng trong nấu ăn.

Cỏ ngọt chứa các glycoside. Đây là những thành phần ngọt được phân lập và tinh chế từ lá cây cỏ ngọt. Những glycoside này bao gồm:

- Stevioside

- Rebaudioside A, C, D, E và F

- Steviolbioside

- Dulcoside A

- Stevioside và rebaudioside A (reb A) là những thành phần phong phú nhất.

1. Lợi ích sức khỏe của cỏ ngọt

Với lượng calo thấp, cỏ ngọt trở thành một lựa chọn thay thế lành mạnh để kiểm soát bệnh tiểu đường hoặc giảm cân. Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe nổi bật của cỏ ngọt:

- Kiểm soát lượng đường trong máu

Mặc dù ngọt hơn đường ăn 200 đến 400 lần nhưng các chất làm ngọt trong cỏ ngọt tốt cho sức khoẻ và có thể kiểm soát lượng đường trong máu. Hơn nữa, cỏ ngọt không chứa calo và carbohydrate cũng như không kích thích giải phóng insulin nên không làm tăng lượng đường trong máu sau khi sử dụng. Do đó, những người mắc bệnh tiểu đường cũng như những người có nguy cơ mắc bệnh này có thể sử dụng loại thảo mộc này một cách an toàn.

- Kiểm soát cân nặng

Cỏ ngọt là một lựa chọn thay thế đường tuyệt vời cho những ai muốn giảm cân. Không chứa calo, cỏ ngọt có thể làm thỏa mãn khẩu vị ngọt của bạn mà không thêm bất kỳ cm nào vào vòng eo.

Hơn nữa, các hợp chất ngọt glycoside trong cỏ ngọt không được cơ thể xử lý hoặc phân hủy giống như đường. Thay vào đó, chúng đi qua đường tiêu hóa và được bài tiết qua nước tiểu mà không được hấp thu hoặc chuyển hóa thành glucose. Nhờ đó, cỏ ngọt không góp phần làm tăng cân hay các vấn đề sức khỏe liên quan khác như béo phì và bệnh tim mạch.

- Giúp cải thiện sức khỏe răng miệng

Khác với đường, có thể gây ra sâu răng hoặc các vấn đề răng miệng khác, cỏ ngọt không những không gây ra các vấn đề răng miệng mà còn có thể có tác động tích cực đến sức khỏe răng miệng bằng cách ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong miệng.

Loại thảo mộc ngọt hơn đường gấp 200 đến 400 lần nhưng lại rất tốt cho sức khỏe- Ảnh 1.

Cỏ ngọt đem lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe (Ảnh: Internet)

- Chống oxy hóa

Cỏ ngọt chứa các chất chống oxy hóa tự nhiên có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại căng thẳng oxy hóa và gốc tự do. Chất chống oxy hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm viêm và phòng tránh các bệnh mãn tính như bệnh tim và một số loại ung thư. Bằng cách bổ sung cỏ ngọt vào chế độ ăn uống, bạn có thể tăng cường lượng chất chống oxy hóa và hỗ trợ sức khỏe tổng thể.

- Cải thiện huyết áp

Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ lớn cho bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề tim mạch khác. Tác dụng hạ huyết áp của cỏ ngọt vẫn còn nhiều tranh cãi.

Một số nghiên cứu cho rằng, glycoside trong chiết xuất cỏ ngọt được cho rằng có tác dụng làm giãn mạch máu. Chúng cũng có thể làm tăng bài tiết natri và lượng nước tiểu, từ đó có thể giúp giảm mức huyết áp.

Một số nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng cỏ ngọt dường như không ảnh hưởng đến huyết áp. Cần nghiên cứu sâu hơn để xác nhận lợi ích này của cỏ ngọt.

- Đặc tính chống ung thư

Cỏ ngọt có chứa chứa các hợp chất có thể giúp ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Chẳng hạn, cỏ ngọt có chứa nhiều sterol và hợp chất chống oxy hóa, bao gồm cả kaempferol. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng kaempferol có thể làm giảm 23% nguy cơ ung thư tuyến tụy.

- Đặc tính chống viêm

Viêm mãn tính liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tim, tiểu đường, và các rối loạn tự miễn. Cỏ ngọt đã được chứng minh có đặc tính chống viêm nhờ có chứa glycoside.

Ngoài ra, một hợp chất khác được tìm thấy trong cỏ ngọt, được gọi là rebaudioside A, đã được chứng minh là có đặc tính kháng khuẩn, nghĩa là nó có thể giúp chống lại vi khuẩn và vi rút có hại.

Loại thảo mộc ngọt hơn đường gấp 200 đến 400 lần nhưng lại rất tốt cho sức khỏe- Ảnh 2.

Ảnh: SKHN

2. Rủi ro sức khỏe khi sử dụng cỏ ngọt

Mặc dù cỏ ngọt nói chung là an toàn khi sử dụng, nhưng loại thảo mộc này vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

- Gây khó chịu đường tiêu hóa

Một số người có thể trải qua khó chịu tiêu hóa, như chướng bụng hay tiêu chảy, khi tiêu thụ cỏ ngọt với số lượng lớn. Bạn nên bắt đầu sử dụng cỏ ngọt với những lượng nhỏ và theo dõi phản ứng của cơ thể bạn.

- Có thể gây ra phản ứng dị ứng

Mặc dù hiếm, một số người có thể có phản ứng dị ứng với cỏ ngọt. Nếu bạn gặp các triệu chứng như ngứa, sưng, hoặc khó thở sau khi sử dụng cỏ ngọt, quan trọng là phải tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

- Ảnh hưởng đến huyết áp và lượng đường

Cỏ ngọt cũng có thể làm giảm huyết áp quá thấp hoặc tương tác với các thuốc làm giảm lượng đường trong máu quá mức. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêu thụ cỏ ngọt thường xuyên.

3. Cỏ ngọt nên được sử dụng như thế nào?

Có lo ngại rằng cỏ ngọt thô có thể gây hại cho thận, sức khỏe sinh sản và hệ tim mạch. Vì vậy, bạn có thể mua sẵn cỏ ngọt đã được sản xuất hoặc phơi khô lá cỏ ngọt và có thể nghiền thành bột sử dụng trong nấu ăn hoặc pha cùng trà.

- Nấu ăn

Cỏ ngọt là một chất làm ngọt đa năng có thể được sử dụng trong nấu ăn và làm bánh. Loại thảo mộc này có thể được thêm vào các công thức nấu ăn thay thế cho đường, cung cấp hương vị ngọt mà không nạp thêm calo vào cơ thể.

Bạn có thể sử dụng bột cỏ ngọt tự làm hoặc mua sẵn rắc vào các món ăn như gia vị thông thường.

- Uống cùng trà

Cỏ ngọt là một sự lựa chọn phổ biến để làm ngọt các đồ uống như trà hoặc cà phê. Bạn có thể sử dụng lá cỏ ngọt khô hoặc bột đã được chế biến, cho vào các loại trà mà bạn uống. Việc cho thêm cỏ ngọt vào đồ uống sẽ làm tăng hương vị mà không sợ tăng cân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn