Loại thuốc nào không thể thiếu trong gia đình dịp Tết

09:04 | 17/01/2017;
Tết Nguyên đán cận kề, bên cạnh việc mua sắm đồ ăn, thức uống thì một thứ chị em cần chuẩn bị đó là thuốc dự trữ, để sử dụng nếu chẳng may ốm đau.
Dịp Tết, mọi sinh hoạt gia đình thường đảo lộn, ăn uống thất thường, trong khi lại đi chơi nhiều nên rất dễ mắc phải một số bệnh như: Tiêu chảy, cảm sốt… Mọi người nên dự trữ một số thuốc thông dụng vào dịp Tết đến, xuân về để phòng khi ốm đau.
tu-thuoc-gia-dinh-ngay-tet.jpg
Dịp Tết, chị em nên dự trữ một số thuốc thiết yếu trong nhà
Thuốc hạ sốt, cảm cúm

Cảm, cúm thông thường là bệnh do virus gây ra và thường xuất hiện nhiều nhất vào lúc giao mùa và mùa đông xuân.

Các tỉnh phía Bắc dịp Tết cũng là thời điểm lạnh nhất trong năm, chính vì thế trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc cảm cúm. Trên thị trường có nhiều loại thuốc cảm cúm, hạ sốt khác nhau. Dược sỹ sẽ tư vấn cụ thể cho bạn nếu muốn mua. Một bài thuốc dân gian được nhiều người áp dụng nếu bị cảm lạnh là trà gừng. Trà gừng có thể mua sẵn hoặc dùng gừng tươi pha với nước đường. 

Thuốc tiêu hóa

Việc ăn uống không đúng bữa ngày Tết, sử dụng nhiều loại thức ăn, đồ ngọt, dễ gây đau bụng, tiêu chảy, đặc biệt là trẻ em. Vì thế, thuốc điều trị tiêu chảy không thể thiếu trong tủ thuốc gia đình. Những loại thuốc thông dụng như berberin (chống tiêu chảy, lị); men tiêu hóa, điện giải, thuốc trị táo bón, thuốc trị khó tiêu, đầy bụng… Để phòng bệnh, vào dịp Tết, mọi người nên ăn uống thận trọng, không nên ăn nhiều món, nhiều chất một lúc. 

Thuốc dị ứng

Tết là thời gian các gia đình thường có những chuyến đi xa hoặc về quê và thưởng thức nhiều món ăn khác nhau. Nguy cơ dị ứng với đồ ăn lạ hoặc do thời tiết, thay đổi môi trường sống… cũng từ đó mà gia tăng. Dị ứng có nhiều dạng, thể khác nhau. Nếu cơ địa hay bị dị ứng với thực phẩm nào, bạn nên tránh sử dụng đồ ăn đó. Hãy mua sẵn các thuốc hạn chế dị ứng theo tư vấn của dược sỹ.

Thuốc bỏng

Bỏng ít xảy ra vào mùa đông nhưng dịp Tết khó nói trước điều gì. Nếu bị bỏng nặng, cần được sơ cứu đúng cách và đưa tới cơ sở y tế kịp thời. Còn bỏng nhẹ có thể sử dụng các dạng thuốc dạng xịt làm mát vùng bỏng, rồi sau đó đến cơ sở y tế để được điều trị.

Thuốc nhỏ mũi và mắt

Dự trữ sẵn nước muối sinh lý chỉ định dùng nhỏ mắt trong các trường hợp khô mắt hoặc cảm giác khó chịu, dùng để rửa mắt do bụi, rửa trôi các dị vật nhỏ bám vào mắt, làm giảm các triệu chứng nghẹt, sổ mũi.

Những loại thuốc "lặt vặt" nhưng lại không thể thiếu trong tủ thuốc

- Dầu gió và các loại kem, gel giúp giảm đau nhức (lưng, chân, vai…).

- Các loại thuốc sát trùng và các thuốc mỡ kháng sinh để chống nhiễm trùng khi bị trầy xước cũng như để làm sạch các dụng cụ y tế khi cần dùng đến.

- Bông, băng, gạc, băng cá nhân nhiều kích cỡ cũng rất cần thiết để bạn lau chùi và che chắn vết thương nếu bị thương, tránh khói bụi, vi khuẩn bên ngoài.

Nếu dùng thuốc cho trẻ nhỏ và phụ nữ có thai, cần chú ý đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Cần giữ lại bao bì thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc trong bao bì. Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, chú ý hạn dùng của thuốc. Lưu ý rằng, tủ thuốc gia đình chỉ dùng để chữa những triệu chứng bệnh nhẹ chứ không thể thay thế việc điều trị lâu dài; khi có dấu hiệu lạ hoặc bạn đã uống thuốc một vài lần mà vẫn chưa hết bệnh thì cần đi khám bác sĩ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn