Loại yếu tố bất bình đẳng giới khỏi SGK mới

07:10 | 29/08/2017;
Đây là một trong những nội dung được Bộ GD&ĐT thực thi nhằm mục tiêu đảm bảo các yếu tố về giới và bình đẳng giới trong bộ SGK mới.

Nhặt “sạn” bất bình đẳng giới trong SGK hiện hành

Tại hội thảo “Đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình GD phổ thông” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức chiều 28/8, ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) đã nêu lên nhiều hạn chế về bất bình đẳng giới trong SGK hiện hành.

Theo ông Tự, hạn chế lớn là suốt từ năm 2013 đến nay, Bộ GD&ĐT liên tục rà soát để điều chỉnh các nội dung về bình đẳng giới trong SGK, nhưng sự rà soát chỉ thực hiện mỗi năm một cấp học nhất định, chưa điều chỉnh tổng thể.

batbinhdanggioi2.jpg
Hình minh họa SGK hiện hành thể hiện yếu tố bất bình đẳng giới. Ảnh minh họa

Những số liệu mà đại diện Bộ GD&ĐT nêu cho thấy, sự hạn chế rất lớn về yếu tố giới, bất bình đẳng giới còn thể hiện rất rõ trong từng trang sách. Điển hình như nam giới luôn chiếm nội dung và hình ảnh lấn át nữ giới và càng lên cấp học cao hơn, sự chênh lệch này càng thể hiện rõ.

Về yếu tố nghề nghiệp, sự khác biệt và phân biệt giới tính càng thể hiện rõ. SGK hiện hành mặc định rằng, nhân vật nữ thường làm nông nghiệp, nấu ăn, mua sắm, đi chợ,… Hai nghề nghiệp điển hình cho giới nữ là giáo viên, nhân viên văn phòng.

Trong khi đó với nhân vật nam, không chỉ đa dạng về ngành nghề, SGK còn mặc định những đặc tính được cho là điển hình của giới này là hướng ngoại, là trụ cột… để nữ giới phải nghe theo.

Ban hành tài liệu bình đẳng giới cho người soạn sách

Trước những bất cập trên, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, trong chương trình GD phổ thông mới, Bộ GD&ĐT sẽ phải loại bỏ hình ảnh, nội dung có định kiến giới. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với UNESCO vừa nghiệm thu bộ tài liệu bao gồm đầy đủ kiến thức về giới để cung cấp cho đội ngũ biên soạn.

“Tài liệu sẽ được tập huấn cho tất cả người tham gia viết sách, nếu cần thiết thì coi như tài liệu quan trọng để mỗi người soi vào, từ đó loại các yếu tố bất bình đẳng giới ra khỏi SGK mới”- ông Trần Kim Tự nói.

Với SGK mới, theo ông Trần Kim Tự, các hình ảnh biểu đồ… minh họa nội dung SGK sẽ được thể hiện trung tính một cách hợp lý. Sẽ thể hiện hình ảnh tích cực hơn của trẻ em như con trai hạn chế vật lộn, hút thuốc, vứt rác… Thay vào đó sẽ là làm việc nhà, giúp đỡ nữ giới.

“Hình ảnh phụ nữ sẽ hoạt bát, tự tin hơn. Hình minh họa sẽ tránh lời nói chỉ dẫn của nam, phục tùng là nữ, tránh phân biệt giới khi sử dụng từ ngữ như trụ cột, cháu đích tôn, phái mạnh để mặc định cho nam giới và các hoạt động nhẹ nhàng, làm việc nhà… để mặc định cho nữ giới, nhấn mạnh vai trò phụ nữ làm kinh tế...” - ông Tự cho hay.

Bình đẳng giới phải có trong mục tiêu chung của chương trình mới

Để có định hướng rõ hơn cho nội dung bình đẳng giới trong chương trình GD phổ thông tổng thể, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội, đề xuất cần đưa nội dung này vào mục tiêu chung của chương trình tổng thể.

img_1003.jpg
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị đưa nội dung bình đẳng giới vào mục tiêu chung của chương trình mới. Ảnh: Dương Hà

Theo bà Mai Hoa, dù chương trình tổng thể đã được ban hành, song cần thiết phải được đưa vào nội dung này dù chỉ là một câu ngắn gọn. Bởi không có định hướng từ chương trình tổng thể, sẽ khó có nội dung nào được cụ thể hóa trong chương trình, bài giảng một cách có nguyên tắc và quan điểm chỉ đạo.

“Nếu đưa vào mục tiêu chung, Hội đồng thẩm định chỉ cần soi vào đây để có cơ sở thẩm định. Nếu được, tôi đề nghị điều chỉnh nội dung chương trình tổng thể theo hướng thêm yếu tố này vào vì nếu chương trình không mở lối thì việc hành động cho nội dung này là sẽ vô cùng khó khăn” - bà Hoa nói.

Đối với Hội LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị cần nâng cao vai trò giám sát và phản biện về vấn đề giới, lồng ghép giới trong chương trình SGK , từ đó nâng cao chất lượng thực hiện chương trình mới. “Bên cạnh việc “soi” từ bên ngoài, việc đồng hành của Hội với các chuyên gia biên soạn SGK là việc quan trọng hơn nhiều trong việc huy động các chuyên gia về giới” - bà Hoa đề xuất.

Tiếp thu những nội dung này, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung gương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết, những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ là căn cứ quan trọng để tin tưởng rằng hội thảo đã thành công, từ đó gửi tiếng nói đề xuất đến đội ngũ trực tiếp thực hiện chương trình mới.

“Đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình GD phổ thông là vấn đề rộng và rất khó, không chỉ về giới trong SGK mà còn làm thế nào để nâng cao nhận thức giới cho thầy cô giáo, nhận thức trong quá trình viết sách. Đây là những gợi ý hay cho hoạt động của Hội LHPN Việt Nam sắp tới trong lĩnh vực này, đặc biệt là liên quan đến các đề xuất chính sách. Hội sẽ có kế hoạch tổng thể, tiếp tục các hoạt động, trong đó sẵn sàng là đầu mối tổ chức các hoạt động như huy động chuyên gia về giới trong và ngoài nước để phục vụ mục đích này” - bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn