Loạn chiêu 'móc túi' từ quỹ Bảo hiểm y tế

14:00 | 12/09/2016;
Cả nước có 37/63 tỉnh, thành phố bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (quỹ BHYT), trong đó cá biệt có địa phương bội chi tới hơn 400 tỉ đồng. Thanh Hóa là địa phương đứng đầu danh sách bội chi quỹ BHYT trong 6 tháng đầu năm 2016.
Bội chi tăng hơn 40%
 
TS Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), lo lắng: Đây là hiện tượng đáng báo động của ngành bảo hiểm về sự trục lợi, tăng nguồn thu tại các cơ sở khám, khám chữa bệnh (KCB). Nhiều trường hợp khi người dân mua BHYT đến KCB, các cơ sở y tế tư nhân lợi dụng việc này để phụ khám, thu thêm tiền. Chỉ sau 6 tháng áp dụng Luật BHYT sửa đổi, bổ sung (từ ngày 1/1/2016), tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT đã diễn ra ở nhiều nơi và ngày càng tinh vi. Mức bội chi tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số người tham gia BHYT chỉ tăng hơn 10%.

Theo BHXH Việt Nam, nguyên nhân của bội chi quỹ BHYT là do tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; do nhiều bệnh viện tư nhân được UBND tỉnh cho xuống hạng, từ hạng 2 xuống hạng 3 để được tương đương với bệnh viện công lập tuyến huyện, được KCB BHYT cho cả những bệnh nhân ở các quận, huyện khác theo đúng chính sách thông tuyến BHYT có hiệu lực từ đầu năm 2016.

Ông Phạm Lương Sơn cho biết thêm, hệ thống giám định cũng phát hiện có nhiều người đi khám tại nhiều cơ sở y tế khác nhau trên địa bàn tỉnh trong cùng 1 tháng, có trường hợp ở Bình Dương khám tới 27 lần/tháng.
bhyt6.jpg
Người dân xếp hàng đăng ký khám, chữa bệnh bằng BHYT (Nguồn: Internet)
Đơn cử như tỉnh Thanh Hóa - địa phương đầu bảng bội chi quỹ BHYT. Nguyên nhân bội chi được chỉ rõ do nhiều cơ sở KCB BHYT đã có nhiều sai phạm trong thực hiện quy định KCB như dùng thuốc giá cao trong điều trị; thanh toán thuốc, dịch vụ kỹ thuật không có trong danh mục; tiền giường bệnh vượt công suất; áp sai giá thanh toán dịch vụ kỹ thuật; chỉ định cận lâm sàng quá mức cần thiết; trùng thanh toán nội trú, ngoại trú. Ngoài ra còn áp giá dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế, giá ngày giường sai; nhập ít, xuất nhiều giữa bảng kê đề nghị thanh toán và thực tế sử dụng... Đặc biệt là tình trạng dùng xe ô tô thu gom, tập trung đưa, đón người có thẻ BHYT từ các huyện với số lượng lớn đến KCB tại nhiều bệnh viện và phòng khám ngoài công lập.

Nguy cơ vỡ quỹ

Theo tính toán của BHXH Việt Nam, nếu từ nay tới cuối năm 2016, số bội chi vượt trên 30% thì quỹ BHYT sẽ không đủ nguồn để bổ sung số thiếu hụt này. Mục tiêu của BHXH Việt Nam là tăng cường kiểm soát chặt việc chi trả để việc thực hiện chi phí khám chữa bệnh BHYT nằm trong dự toán của Chính phủ là 72.700 tỉ đồng.

Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế và BHXH Việt Nam khẩn trương vào cuộc kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Cùng với việc thực hiện sự chỉ đạo này, BHXH Việt Nam đang kiến nghị tăng mức phí để quỹ BHYT đảm bảo cân đối thu chi.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam đang gấp rút thực hiện các giải pháp để cân đối quỹ BHYT như “truy” nguyên nhân tốc độ gia tăng chi phí và tình trạng mất cân đối quỹ BHYT; thẩm định lại toàn bộ chi phí KCB BHYT tại các cơ sở y tế bội chi quỹ BHYT; kiểm tra liên ngành tất cả cơ sở KCB có biểu hiện lạm dụng quỹ BHYT. Bên cạnh đó, sẽ thống nhất với Sở Y tế và các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn để nghiêm túc thực hiện việc gửi dữ liệu điện tử đến Hệ thống thông tin giám định BHYT theo đúng quy định của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn