Loạn giá dịch vụ ăn, ở, chơi... trực tuyến

01:14 | 13/09/2015;
Bài học kinh nghiệm mà tôi rút ra được sau khi đặt phòng khách sạn trực tuyến đó là không nên vội vã mà cần phải khảo sát, so sánh giá giữa nhiều trang khác nhau.

Mới đây, tôi vào mạng để tìm đặt phòng khách sạn chuẩn bị cho chuyến đi công tác tại một tỉnh miền Trung. Thật bất ngờ khi thấy cùng một loại phòng ở một khách sạn nọ, mà 5 trang dịch vụ đặt phòng trực tuyến lại đưa ra 5 mức giá khác nhau, chênh lệch tới hơn 30%. Nhấc điện thoại gọi trực tiếp cho nhân viên khách sạn này, thì mức giá cuối cùng được “chốt lại” ngang với giá thấp nhất trong số 5 trang web nói trên.

Sau đó, tôi tiếp tục “lướt” qua nhiều trang đặt dịch vụ trực tuyến khác, bao gồm đặt phòng khách sạn, đặt tour du lịch, đặt chỗ tại một số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ… rồi chuyển sang các trang đặt hàng sản phẩm tiêu dùng, đều thấy có tình trạng “mỗi trang một giá”, với mức chênh lệch rất lớn, trong khi các chính sách khách hàng đều giống hệt nhau.

Atx---Biettin.jpg

Khách hàng khó mà có lòng tin với kiểu ‘mỗi nơi một giá’ khi đặt phòng trên mạng. Ảnh minh họa: shutterstock


Từ thực tế trên, tôi rút ra một bài học kinh nghiệm là không nên vội vã khi đặt hàng trực tuyến, mà cần phải khảo sát, so sánh giá giữa nhiều trang khác nhau. Tuy nhiên, điều khiến tôi hết sức băn khoăn là tại sao lại có tình trạng giá cả được rao “lung tung beng” như vậy? Tôi không nghĩ rằng các chủ trang tự ý ra giá, mà phải có sự thỏa thuận, đồng ý của chủ cơ sở dịch vụ. Mà tình trạng “loạn giá” như vậy chủ yếu chỉ gây hại cho cơ sở dịch vụ và làm nhiễu loạn thông tin thị trường, chứ nào có mang tới lợi lộc gì?

Đồng ý rằng, tình trạng ế ẩm của nhiều khách sạn và cơ sở dịch vụ, cũng như một số loại sản phẩm, đã kéo dài khiến nhiều cơ sở bị thua lỗ nặng nề. Vì vậy, không loại trừ khả năng một số nơi tạo ra tình trạng “loạn giá” trên các kênh quảng cáo, thông tin sản phẩm để “lừa được ai thì lừa”, kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy. Nhưng nhìn một cách toàn diện, thì đây là lối làm ăn chụp giật, không đàng hoàng, chẳng chóng thì chầy cũng bị người tiêu dùng phát hiện ra. Khi ấy, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều lần so với những món lợi “cò con” mà họ thu được.

Số người sử dụng các hình thức giao dịch mua bán trực tuyến tại Việt Nam đang tăng nhanh, mỗi năm trung bình thêm hàng triệu lượt. Nhưng nếu vẫn cứ tồn tại kiểu “mỗi nơi một giá” như vậy thì người tiêu dùng biết tin vào đâu?

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn