Khi thấy số ca F0 tại Hà Nội tăng, nhiều người dân đã tự ý mua thuốc kháng virus Covid-19. Chị Nguyễn Thị Hoa (ở phường Đông Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết, gia đình chị có 4 người thì 3 người nhiễm Covid-19. Khi có biểu hiện ho, sốt, gia đình chị tự test nhanh, cho kết quả dương tính và đã thông báo với trạm y tế phường. Phường cho nhân viên y tế xuống lấy mẫu, sau đó xác nhận là dương tính.
"Mẹ tôi đã hơn 60 tuổi, chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19. Có những lúc mẹ khó thở, tôi đã trình báo nhưng không nhận được phản hồi của y tế phường", chị Hoa cho biết. Lo lắng cho tình hình sức khỏe của người thân, chị Hoa nghe bạn bè mách nên đã tự tìm mua thuốc kháng virus.
Chị Nguyễn Thị Linh, ở quận Đống Đa (Hà Nội), cho biết, chị bị mất khứu giác, test nhanh thì dương tính nên đã gọi y tế phường hỗ trợ. Sáng hôm sau, phường liên lạc lại yêu cầu cả gia đình ra trạm y tế test nhanh nhưng ba ngày tiếp theo mới có kết quả. Trong thời gian chờ, nhân viên y tế yêu cầu gia đình chị tự cách ly tại nhà.
"Cả nhà tôi đã tiêm vaccine nhưng vẫn lo lắng vì không được hướng dẫn, hỗ trợ thuốc thang gì từ y tế cơ sở, kết quả xét nghiệm từ trạm y tế thì chưa có. Vì không được ai hướng dẫn nên gia đình tôi tự cách ly tại nhà, mỗi người một phòng riêng. Chúng tôi liên tục gọi y tế phường nhưng máy bận nên đành tự chăm sóc cho mình", chị Linh cho hay.
Chị Linh chia sẻ, những ngày qua, gia đình chị chủ yếu tìm hiểu thông tin về cách vệ sinh, bổ sung dinh dưỡng, vitamin tăng cường sức đề kháng qua "bác sĩ mạng". Trước đó, khi thấy diễn biến dịch phức tạp, chị đã kịp trữ sẵn trong nhà thuốc kháng virus do người họ hàng gửi từ Mỹ về.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội: Do F0 tăng nhanh, nhiều xã, phường đang thiếu nhân lực y tế, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế thiếu thốn, xuống cấp. "Các lực lượng y tế đang tập trung xử lý khối lượng công việc lớn nên đôi khi chậm trễ việc liên hệ với F0 và cấp phát thuốc".
Theo các chuyên gia y tế, không phải trường hợp F0 nào cũng dùng thuốc kháng virus. Nói về việc cấp phát thuốc, đại diện Trung tâm y tế quận Đống Đa cho biết, hiện quận có hơn 200 F0 điều trị tại nhà, 100% đều được cấp túi thuốc A.
Theo hướng dẫn của ngành y tế, túi thuốc A chỉ cấp một lần khi bắt đầu tiếp nhận F0 điều trị tại nhà. Túi thuốc A sử dụng trong 10 ngày, gồm vitamin, thuốc bổ, thuốc hạ sốt, tăng đề kháng...
Với túi thuốc B gồm thuốc kháng viêm kháng đông, chỉ dùng khi có chỉ định của nhân viên y tế khi F0 trở nặng và dùng một liều duy nhất trước khi chuyển đi bệnh viện. Thời gian qua, khi bùng phát dịch, TPHCM và các tỉnh phía Nam cấp phát túi thuốc B hơi sớm, dẫn đến nhiều người dùng sớm, dùng sai chỉ định, khiến bệnh nặng hơn. Tháng 11, Bộ Y tế hướng dẫn lại cách dùng thuốc B, chỉ cấp một liều duy nhất và uống trước khi vào viện.
Cuối cùng là túi thuốc C. Túi này có thuốc Molnupiravir. Đây là thuốc kháng virus đang ở trong giai đoạn thử nghiệm trong chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế. Thuốc hiện chưa được Cục Quản lý dược của Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
"Đến ngày 20/12, quận mới nhận được 1.200 viên, chỉ được 30 người dùng. Sắp tới, quận sẽ được tiếp nhận thêm khoảng 4.800 viên, được hơn 100 người dùng. Gói thuốc này chúng tôi ưu tiên dành cho những người cao tuổi, bệnh lý nền. Vì vậy, số người tiếp cận với thuốc thử nghiệm lâm sàng còn ít", đại diện Trung tâm y tế quận Đống Đa cho biết.
Theo ghi nhận của PNVN, quanh khu vực chợ thuốc ở Thanh Xuân (Hà Nội), khi được hỏi thuốc trị Covid-19, nhân viên một nhà thuốc nhấn mạnh: "Chỉ bán thuốc theo đơn". Tuy nhiên, các thuốc trong đơn chủ yếu là thuốc thông thường hỗ trợ điều trị triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi.
Khi thấy chúng tôi tỏ ra lo lắng muốn tìm thuốc dự phòng điều trị Covid-19, nhà thuốc này đã giới thiệu ngay các loại thuốc kháng sinh và kháng đông cho F0. Một số loại thuốc được giới thiệu như kháng sinh Augmentin có giá 19.000 đồng/viên, uống 7 viên; thuốc Medrol có giá 30.000 đồng/vỉ uống 7 ngày. Cao cấp hơn là thuốc Favipiravir có giá 4,5 triệu đồng/hộp; Molnupiravir có giá 9,5 triệu đồng/hộp 40 viên. Thuốc Molnupiravir được tư vấn "thuốc có tác dụng nhanh chóng", mua cả hộp để dự phòng cho cả gia đình.
Tuy nhiên, vì đây là loại thuốc "bán theo đơn" nên nhà thuốc này cẩn trọng, không bán trực tiếp. Nếu khách cần mua thì chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng trước, thuốc sẽ được giao đến tận nhà.
Mới đây, khi thuốc Areplivir được Nga cho phép sử dụng điều trị Covid-19, ngay lập tức những người bán hàng xách tay đã rao bán loại thuốc này. Một cửa hàng chuyên hàng xách tay Nga ở Trung Kính (Hà Nội) chào bán thuốc Areplivir với giá 3,5 triệu đồng/hộp. Chị Nguyễn Hường, người bán hàng, giới thiệu: "Đây là thuốc trị Covid-19 ở Nga bán rộng rãi và Nga không xuất khẩu nên không có công ty nào nhập khẩu chính ngạch mà chủ yếu qua kênh hàng xách tay".
Theo lời chị Hường, vừa qua, người thân của chị nhiễm Covid-19 và dùng thuốc này chỉ 4-5 ngày đã âm tính, không có triệu chứng nặng. "Những ngày qua, tôi đã bán cả trăm hộp thuốc này vì nhu cầu của người dân cần dự trữ rất lớn. Tôi còn đang tìm thêm mối để nhập thuốc này về bán trong những ngày tới", chị Hường cho biết thêm.
Anh Dương Thanh Nguyên, một dược sĩ bán thuốc tại Hà Nội, nhìn nhận, thời gian gần đây, nhiều người tìm mua các loại thuốc kháng virus. Anh này thừa nhận có hoạt động "bán chui" các loại thuốc này. "Một số nhà thuốc hiện nay nếu bán các thuốc đặc trị, thuốc kháng virus chủ yếu là bán chui, liên kết với bên ngoài, đa số là hàng xách tay, bán rất kín đáo"- anh Nguyên tiết lộ- "Việc lùng mua thuốc kháng virus hoàn toàn xuất phát từ tâm lí bất an của người dân chứ không phải F0 nào cũng phải dùng đến thuốc kháng virus".
Kiểm soát chặt thuốc kháng virus SARS-CoV-2
Theo Bộ Y tế, hiện nay, Việt Nam đưa một số thuốc vào phác đồ điều trị Covid-19 đã được công nhận trên thế giới. Trong đó, có 3 thuốc kháng virus được đưa vào hướng dẫn gồm: Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ trung bình và Molnupiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ. Trong đó, thuốc kháng virus Molnupiravir chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, hiện được sử dụng miễn phí và có kiểm soát chặt chẽ trong chương trình sử dụng có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc Covid-19 thể nhẹ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, các thuốc kháng virus trị Covid-19 bắt buộc phải được bác sĩ chỉ định và người bệnh có cam kết khi dùng. Nếu dùng sai thuốc, nó như con dao hai lưỡi có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người uống. Trước tình trạng người dân tự mua thuốc không rõ nguồn gốc điều trị Covid-19, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, giám sát chặt chẽ các quy trình nghiên cứu thuốc, tổng hợp dữ liệu số bệnh nhân đã sử dụng, báo cáo theo quy định. Đặc biệt, thu hồi thuốc trong trường hợp bệnh nhân không sử dụng hết vì bất cứ lý do gì, tránh thất thoát hoặc dùng sai mục đích thuốc nghiên cứu.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện các thông tin về việc mua bán thuốc Molnupiravir. Phối hợp với các cơ quan chức năng để nhanh chóng xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm (nếu có). Trong quá trình triển khai sử dụng thuốc, nên phản hồi, báo cáo ngay với Bộ Y tế nếu có những bất cập, khó khăn để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn