Hơn 1 năm trước, 3 cuốn sổ tiết kiệm với các kỳ hạn khác nhau có tổng trị giá hơn 1 tỉ đồng đem về cho vợ chồng bà Thu Minh (quận Đống Đa, Hà Nội) mức lãi suất bình quân hơn 10%/năm.
Tính sơ qua, vợ chồng bà nhận được khoảng 50 triệu đồng tiền lãi với kỳ hạn 6 tháng. Nhưng mọi thứ đều đã thay đổi. Giờ đây, với số tiền đó, gửi ở kỳ hạn 6 tháng, lãi lúc đáo hạn chỉ nhận về khoảng 15 triệu đồng.
"Vợ chồng tôi sống bằng tiền lương hưu và tiền gửi tiết kiệm. Giờ lãi từ việc gửi tiết kiệm chỉ bằng 1/3 so với những năm trước. Nhìn lãi suất xuống từng ngày là xót lắm. Chúng tôi đang bàn nhau xoay hướng đầu tư", bà Minh chia sẻ.
Thế nhưng đầu tư vào đâu? Vàng, chứng khoán hay bất động sản thì lại là câu hỏi chưa hồi đáp với vợ chồng bà Minh, bởi hiện tại, các thị trường khác đang tồn tại khá nhiều rủi ro. Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều người đang có tiền nhàn rỗi. "Đồng tiền đứng yên là đồng tiền "chết", nhưng không biết phải làm sao cho nó "sống"?
Ảnh minh họa
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thuý Anh, với thị trường vàng, hiện mức chênh lệch vàng miếng SJC với vàng nhẫn đang là hàng chục triệu đồng. Đây là mức rủi ro lớn, chưa kể người đầu tư phải căn giá để mua vào - bán ra... nên rất ít người bỏ vốn vào vàng thời điểm này.
Còn với USD, nếu gửi ngân hàng thì lãi suất là 0%, trong khi mức tăng tỉ giá khoảng 3% (năm 2023), thấp hơn gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng (cách đây 1 năm là 7% - 8%, nay còn dưới 5%).
Đầu tư chứng khoán luôn đòi hỏi kiến thức, đặc biệt là tâm lý chịu đựng rủi ro, vốn không phù hợp với số đông người gửi tiết kiệm, nhất là khi thị trường chứng khoán vẫn loay hoay ở ngưỡng 1.200 điểm, khiến những người đặt an toàn lên hàng đầu ngại trở thành nhà đầu tư chứng khoán. Còn bất động sản, thị trường đóng băng nhưng giá nhà không giảm.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất xuống thấp, gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn và phù hợp với đa số người dân. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản có nhiều rủi ro.
Các nhà phân tích tài chính nhận định, người dân và doanh nghiệp vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn, sau hàng loạt các vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán khiến niềm tin của nhà đầu tư bị sụt giảm.
Đặc biệt trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 dự báo là vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp; nợ xấu có xu hướng tăng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng…
Vậy trong bối cảnh lãi suất xuống thấp, gửi tiết kiệm thế nào để có lợi nhất? Nhân viên một số ngân hàng thương mại cho hay, hiện nhiều người gửi tiết kiệm đã chọn kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên để hưởng mức lãi suất cao, thay vì gửi kỳ hạn ngắn 1-3 tháng như trước.
Tiếp đó, nhiều ngân hàng khuyến khích gửi tiết kiệm online với lãi suất cao hơn tại quầy từ 0,2 điểm %. Khách hàng có thể chọn gửi tiết kiệm online vừa thuận tiện trong giao dịch, tất toán, vừa được lãi suất cao hơn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Khảo sát nhanh cho thấy, từ đầu tháng 2/2024, đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất huy động, có nơi điều chỉnh tới 3 lần. Hiện tại, phần lớn ngân hàng niêm yết lãi suất không quá 5% với các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở xuống. Với các kỳ hạn dài hơn, từ 15 đến 24 tháng trở lên, vẫn có ngân hàng trả lãi suất 5%-6% cho người gửi tiền nhằm khuyến khích dòng tiền dài hạn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn