Ngày 13/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Thắng (29 tuổi, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội) về hành vi mua bán bộ phận cơ thể người.
Theo đó, Cơ quan CSĐT xác định Nguyễn Đức Thắng đã môi giới trót lọt cho 15 trường hợp mua bán bộ phận cơ thể người, ăn chênh lệch khoảng 30 triệu đồng/trường hợp. Những người có nhu cầu bán thận được Thắng tìm kiếm từ nhiều tỉnh thành khác nhau rồi đưa về nuôi ăn ở và tìm người mua.
Trước đó, ngày 15/10, Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội đã khởi tố bị can với Trần Văn Phương (29 tuổi) để điều tra về tội Mua bán mô và bộ phận cơ thể người, theo Điều 154 Bộ luật Hình sự 2015. Cơ quan CSĐT cũng làm rõ hành vi của Lê Thùy Linh (22 tuổi, quê Bình Dương), Hoàng Ngọc Tiến (30 tuổi, quê Quảng Trị) và Phan Văn Hùng (27 tuổi, quê Nghệ An). Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 9, Phương cùng Linh, Tiến, Hùng đã thực hiện trót lọt 3 giao dịch.
Mới đây, theo rà soát của cơ quan CSĐT (Công an TP Hà Nội) 5 cặp cho - nhận thận không cùng huyết thống được ghép thận tại BV Việt Đức có dấu hiệu nghi vấn. Vì vậy, cơ quan CSĐT đã đề nghị BV Việt Đức phối hợp để điều tra.
Liên quan đến việc cơ quan CSĐT điều tra các vụ mua bán thận, trao đổi với PNVN, GS.Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia kiêm Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết, trên thế giới, việc lợi dụng ghép tạng để tư lợi không phải là hiếm. Ngay ở Mỹ hoặc Pháp vẫn có việc lợi dụng ghép tạng để buôn bán tạng.
Tại Việt Nam, tình trạng lợi dụng ghép tạng để buôn bán tạng chắc chắn là có. Theo đó, những người đứng ra làm trung gian để thu tiền của người bán rồi trả cho người bán thấp hơn số tiền đã thu. Số chênh lệch còn lại thì người này bỏ túi gọi là “cò bán thận”.
Cũng theo GS. Sơn, để tránh tình trạng “cò mồi” trong ghép tạng thì phải có quy định rõ ràng. Ví như, BV Việt Đức quy định là khi hiến tạng thì bố mẹ, vợ con phải đồng ý.
“Cách đây ít lâu tôi có duyệt một hồ sơ cho- nhận thận. Theo đó, hai người đến BV là một người cho và một người nhận không thân thích. Tôi bảo tuyệt vời và hỏi người cho tạng rằng vợ và bố mẹ có biết không. Anh ta bảo, đã 18 tuổi nên tạng của mình có quyền cho ai là tùy, hơn nữa pháp luật không quy định như thế. Tôi bảo, đúng là pháp luật không có quy định như vậy, nhưng BV có quy định riêng. Bởi khi cho thận có thể có biến chứng, thậm chí tử vong. Đặt trường hợp xấu nhất là bệnh nhân tử vong nhưng bố mẹ, vợ con không biết thì BV xử lý như thế nào. Vì vậy, nếu người hiến còn có người thân thì người thân phải ký. Cuối cùng, anh ấy ra về vì không đồng ý có người thân ký”, GS. Sơn kể.
Ngoài cò mồi, cũng sẽ có những y bác sĩ, công dân khác tham gia đường dây mua bán tạng. “Vấn đề là bác sĩ nào, công dân nào tham gia thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan CSĐT làm rõ việc này”, GS.Sơn nói.
“Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người 1- Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm 2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm a) Có tổ chức; b) Vì mục đích thương mại; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; d) Đối với từ 02 người đến 05 người; đ) Phạm tội 02 lần trở lên; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. 3- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Đối với 06 người trở lên; d) Gây chết người; đ) Tái phạm nguy hiểm. 4- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.” Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 |