Trong cuốn sách "Đôi điều cần suy ngẫm", nhà tư tưởng Krishnamurti dẫn dắt độc giả xem xét những khái niệm mà chúng ta gọi là văn hóa, giáo dục, tôn giáo, chính trị và truyền thống; đồng thời làm rõ những động cơ căn bản như tham vọng, lòng tham, tính đố kỵ, khao khát được an toàn và ham muốn quyền lực - tất cả những thứ mà ông cho là những yếu tố khiến xã hội loài người trở nên lạc hướng.
Theo Krishnamurti, khi giáp mặt với mọi vấn đề lớn nhỏ, con người luôn bị ảnh hưởng bởi những kết luận, giải thích có sẵn; thói quen; cái biết của quá khứ; triết lý suông của ai đó; ý kiến của "người lớn"; khuôn mẫu hành xử của xã hội...
"Cha mẹ, thầy cô, xã hội, tôn giáo, giáo sĩ - tất cả đều nói "hãy làm" và "đừng làm". Ta đào một cái lỗ nhỏ và ta tự giam hãm mình trong đó, để mặc cho cuộc sống trôi đi", ông nói.
Hạnh phúc không xuất hiện khi bạn tìm kiếm nó; hạnh phúc là một sản phẩm phụ, nó xuất hiện khi có cái thiện, khi có tình yêu, khi không còn tham vọng, khi trí não khám phá một cách lặng lẽ cái chân thực
Krishnamurti
Như một vấn đề kinh điển của người trẻ là lựa chọn nghề nghiệp, tại sao khi chọn nghề, nhiều người lại không ngừng sợ hãi: Sợ không làm cha mẹ hài lòng, sợ thất bại, sợ định kiến, sợ không phù hợp với xã hội?
Nỗi sợ chệch ra khuôn mẫu chung khiến ta sống và "chơi một cuộc chơi an toàn". Nhưng điều đó dẫn đến tham vọng không ngừng, ta luôn trong tình trạng đấu tranh, cố gắng để "có nhiều hơn" về vật chất và tinh thần. Và sau cùng, dục vọng đó đẩy ta tới đau khổ, sa đọa.
Cuốn sách gồm 27 chương sách với hơn 100 câu trả lời, nhà tư tưởng người Ấn Độ liên tục thúc giục bạn đọc vượt thoát khỏi mọi ảnh hưởng, thói quen mà xã hội đã tạo nên trong trí não con người.
Để làm được điều đó, bạn cần không ngừng quan sát trí não của mình để nhận biết mọi chuyển động, mọi ảo tưởng của nó lẫn thực tại mênh mông trước mắt, thấy "cái đang là". Nói cách khác, đó chính là tỉnh thức, là "biết mình", là thiền định.
Một khi có được sự tỉnh thức đó, bạn sẽ nhìn nhận mọi trúc trắc của bản thân dưới một lăng kính mới toanh. Thất bại và thành công; sự cố gắng và lười biếng; ngỗ nghịch và đạo đức; cái xấu và cái đẹp… Chúng sẽ không còn ở hình tướng cũ và không còn làm ta sợ hãi, không ngăn cản ta sống chân thực nữa.
Trong "Đôi điều cần suy ngẫm", nhà tư tưởng cũng "bật lại" rất nhiều những khái niệm của hệ thống xã hội, điều ta cứ tưởng mình hiểu rõ: như giáo dục, tôn giáo, cải cách xã hội…
Những chất vấn chẳng dễ chịu của Krishnamurti bắt người đối diện phải tự đào sâu chính mình, nhìn thấu mọi lừa dối, ảo tưởng, những điều họ chưa dám thừa nhận về bản thân. Ông khiến họ phải nghiêm túc ngừng lại để xem xét tất cả những điều đang theo đuổi, để từ đó "đối mặt với bản thân và thế giới với một sự tươi mới kinh ngạc của ánh bình minh" (lời nhà văn Mỹ Anne Morrow Lindbergh).
Xuất bản lần đầu năm 1964, với ngôn từ đơn giản, trực diện và những chất vấn giàu tính khai sáng, "Đôi điều cần suy ngẫm" là một trong những tác phẩm quen mặt bạn đọc nhất của Krishnamurti. Sách đã được dịch ra 22 thứ tiếng và lọt danh sách 100 tựa sách tinh thần hay nhất của thế kỷ 20.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn