"Bây giờ đến vận động chị em sinh thêm con, mình luôn phải đối mặt với câu hỏi: Tiền đâu để nuôi con? Đây thực sự là "bài toán" khó nhất hiện nay", chị Đào Thị Thanh An nói.
Xác định việc thúc đẩy phát triển kinh tế là một giải pháp bền vững tác động đến việc tăng mức sinh, nên không chỉ tuyên truyền, vận động, Ban Chấp hành Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái còn hỗ trợ vốn, giới thiệu cho hội viên phụ nữ tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trong chăn nuôi và trồng trọt, mang lại thu nhập cho gia đình.
Chị An chia sẻ: "Khi đời sống kinh tế được cải thiện thì chị em mới dám nghĩ đến chuyện sinh thêm con, sinh đủ hai con. Ở đây, chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa vận động những hộ đã đủ con rồi thì không sinh thêm con nữa, vừa vận động những cặp vợ chồng trẻ sinh đủ 2 con".
Theo chị Đào Thị Thanh An, việc đi vận động chị em thực hiện kế hoạch hoá gia đình đã khó, vận động chị em sinh thêm con, sinh đủ 2 con còn khó hơn gấp nhiều lần.
"Tư tưởng của nhiều chị em là chỉ sinh một con để còn có điều kiện chăm lo cho con được ăn học đầy đủ, nếu sinh thêm sẽ không đủ kinh tế để chăm sóc.
Mấu chốt ở đây vẫn là thay đổi nhận thức, bằng cách hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho chị em tham gia những mô hình xây dựng nếp sống mới, tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm, nhận thức được tầm quan trọng của việc sinh đủ 2 con với tương lai dân số sau này", Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái cho biết thêm.
Được biết, 8 tháng đầu năm 2023, toàn xã Nguyễn Việt Khái có 80 trẻ được sinh ra. Với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, 8 tháng đầu năm nay, toàn xã đã có 119 trẻ được sinh ra, tăng 39 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái.
Xã Nguyễn Việt Khái là một trong số ít những địa phương có sự cải thiện về mức sinh trong năm qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hiện tỉnh xếp thứ 12 trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, với tỉ suất sinh bình quân năm 2023 của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là 1,8 con.
Theo ông Đỗ Chí Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Cà Mau, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển, hoạt động tuyên truyền đã được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, đồng bộ trên tất cả các kênh.
Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã tập trung tuyên truyền về chính sách bình đẳng giới, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con bằng các hình thức như khen thưởng, tuyên dương.
"Ưu tiên là từng bước làm thay đổi tư tưởng ngại sinh con của người trẻ, tạo điều kiện hỗ trợ các chính sách về y tế cho phụ nữ trong quá trình mang thai và sinh con. Tuy nhiên, tuyên truyền, vận động cũng phải dựa trên thực tế. Khi đời sống ngày càng phát triển thì nhu cầu của con người về chất lượng cuộc sống ngày càng cao.
Giờ đây, nhu cầu không chỉ là có cái ăn, cái mặc mà phải là được ăn ngon, mặc đẹp, được học hành với điều kiện tốt nhất. An sinh xã hội, chăm sóc y tế, đời sống tinh thần, vật chất, chỉ khi tất cả yếu tố này đều được tạo điều kiện chăm lo tối ưu thì khi ấy người trẻ mới mạnh dạn hơn trong quyết định sinh con, sinh đủ con", ông Hiền nhấn mạnh.
Dù có chính sách khen thưởng cho những gia đình sinh đủ 2 con nhưng việc này tại nhiều địa phương ở Cà Mau vẫn chưa được thực hiện vì phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Với nhiều cặp vợ chồng trẻ, khó khăn kinh tế vẫn là rào cản khiến họ không muốn sinh thêm con.
Dù con gái đầu đã học lớp 4 nhưng chị Lương Thị Kiên (36 tuổi, ở xã Nguyễn Việt Khái) vẫn chưa có ý định sinh thêm con. "Tôi cũng nghe chị em chia sẻ có nơi thưởng tiền cho phụ nữ sinh đủ 2 con nhưng tôi nghĩ chẳng ai sinh con chỉ để kiếm tiền thưởng đâu.
Bởi số tiền thưởng đó quá nhỏ với so với chi phí nuôi một đứa trẻ rất tốn kém, chưa kể thời gian mang bầu, nuôi con nhỏ, tôi chẳng làm được việc gì nhiều để cải thiện thu nhập. Nếu có chính sách đảm bảo kinh tế, hỗ trợ chi phí sinh con, có dịch vụ hỗ trợ chăm sóc trẻ để tôi có thể đi làm thì vợ chồng tôi mới cân nhắc về chuyện sinh thêm con", chị Kiên tâm sự.
Theo Quyết định 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, có 21 tỉnh, thành phố thuộc vùng có mức sinh thấp là: TPHCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang. Các địa phương có mức sinh thấp thí điểm, mở rộng chính sách hỗ trợ, động viên phụ nữ sinh đủ hai con trước tuổi 35.
Tính đến tháng 9/2024, mới có một số tỉnh thực hiện chính sách khen thưởng cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, đó là: Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre... Phần thưởng gồm bằng khen và mức thưởng trung bình từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/người.
(Còn nữa)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn