Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 422 triệu người trên thế giới đang sống chung với bệnh tiểu đường và chủ yếu là bệnh tiểu đường loại 2. Mỗi năm, có khoảng 1,5 triệu người tử vong do mắc bệnh tiểu đường. Tiểu đường loại 2 xảy ra khi cơ thể không thể tạo đủ insulin hoặc cơ thể kháng insulin, gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Một số nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng tiêu thụ trà xanh hàng ngày có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Mặc dù vậy chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu lớn hơn về tác động của trà và lượng trà uống nên uống đối với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường để thêm trà vào một trong những cách giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích tổng hợp 19 nghiên cứu từ 8 quốc gia khác nhau để điều tra tác động của việc sử dụng trà ô long, trà đen và trà xanh đối với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Bản phân tích tổng hợp đã được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu về Đái tháo đường Châu Âu ở Stockholm, Thụy Điển.
Sau đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng uống trà hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
PGS. TS y khoa Kashif M. Munir tại Trung tâm Bệnh tiểu đường và Nội tiết của Đại học Maryland, Hoa Kỳ cho biết: “Uống trà dường như không gây hại cho sức khoẻ mà ngược lại còn có thể mang lại một lợi ích trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, các loại thực phẩm khác chứa nhiều polyphenol cũng cho thấy tác dụng tương tự đối với bệnh tiểu đường".
Giải thích cho điều này, PGS Munir cho biết: “Trong trà có chứa chất chống oxy hóa polyphenol như EGCG. EGCG đã được chứng minh là có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin và cải thiện chức năng nội mô (một trong những chức năng quan trọng giúp cơ thể điều chỉnh phản ứng miễn dịch, khả năng đông máu và giãn hoặc co thắt mạch máu). Do đó, uống trà có thể đem lại lợi ích trong việc cân bằng nội môi, giúp cân bằng glucose, nước, axit amin,... từ đó giúp ổn định lượng đường trong máu và cải thiện nguy cơ mắc bệnh tiểu đường”.
Một số nghiên cứu khác trên chuột phát hiện ra rằng trà xanh có thể làm giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng sản xuất insulin ở chuột. Trong khi đó, trà đen được biết đến là loại trà có hàm lượng theaflavins phong phú, có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Trà đen cũng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng béo phì - một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường - bằng cách thúc đẩy quá trình chuyển hoá chất béo, do đó hỗ trợ giảm cân, điều chỉnh lượng đường trong máu.
Do đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng uống trà hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá có hệ thống trên 19 nghiên cứu với 1.076.311 người tham gia nhằm điều tra mối liên hệ giữa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và việc uống trà.
Họ đã có thể khám phá mối quan hệ giữa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 với tần suất uống trà, loại trà sử dụng (bao gồm trà xanh, trà ô long và trà đen), giới tính và khu vực sinh sống.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người uống từ 1 - 3 tách trà mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn 4% so với những người không uống trà. Những người uống ít nhất 4 tách trà mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn 17% so với những người không uống trà.
Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng lợi ích này không hề phụ thuộc vào loại trà, giới tính và khu vực sinh sống của mỗi người. Do đó, lợi ích phòng ngừa tiểu đường của trà có thể đến từ tần suất và lượng trà sử dụng hàng ngày.
Mặc dù nghiên cứu chỉ ra lợi ích của trà trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhưng nghiên cứu vẫn còn một số hạn chế nhất định và cần nhiều nghiên cứu lớn hơn để có thể hoàn toàn khẳng định lợi ích của trà trong việc phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Giáo sư Peter Clifton về Khoa học và Sức khỏe lâm sàng tại Đại học Nam Úc cho biết: “Thói quen uống trà có thể được coi là một phần của lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe nhưng thói quen này cũng không tác động quá nhiều đến những người không có thói quen uống trà”.
Vì vậy, nếu bạn không quen uống trà bạn cũng không cần gượng ép bản thân buộc phải uống và có thể thay thế bằng các thói quen lành mạnh khác như tập thể dục và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh.
Nguồn: Medical News Today
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn