Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại lợi ích kép, vừa đảm bảo đầu ra, vừa tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Bà Nguyễn Thị Sơn, đại diện Công ty TNHH Tuệ Minh (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), cho biết: Xã Minh Tân và Phong Quang (Vị Xuyên) có lợi thế thổ nhưỡng, rất phù hợp với nhiều loài cây dược liệu. Công ty triển khai thí điểm mô hình trồng hoa cúc chi tại đây. Hoa cúc chi được dùng để sấy khô làm dược liệu, cây có ưu điểm dễ trồng, chăm sóc và thu hái, thích ứng rộng; sau 3 tháng trồng cây bắt đầu ra hoa và cho thu hoạch. Trong điều kiện phát triển tốt, năng suất hoa thu được ước đạt từ 13 tấn hoa tươi/1 ha, sau khi trừ các khoản đầu tư, có thể thu hàng chục triệu đồng/ha. Hiện, dự án trong giai đoạn đầu đã tạo việc làm cho 50 lao động, mức thu nhập mỗi ngày từ 200 - 300 nghìn đồng.
Bà Nguyễn Thị Sơn cho biết, công ty thuê đất của người dân và thuê lao động tại địa phương để chăm sóc và thu hái hoa. Sau khi hoa được thu hái sẽ chuyển về sấy khô làm dược liệu bán cho các cơ sở kinh doanh dược liệu. "Nhờ liên kết trong sản xuất như vậy chúng tôi đảm bảo được đầu ra của sản phẩm và tạo được việc làm cho lao động địa phương", bà Sơn nói.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), cho biết: Để thu hút các nhà đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện Vị Xuyên thúc đẩy việc hình thành các tiểu vùng có điều kiện khí hậu khác nhau và tiềm năng phát triển từng cây, con, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai các dự án theo chuỗi liên kết. Sau thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giúp người dân, HTX thay đổi tư duy sản xuất, được chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn, áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát huy được tiềm năng về đất đai, lao động của địa phương.
Dự báo, những tháng cuối năm, thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ; cùng với rau quả, gạo, thủy sản, cà phê cũng đang có nhiều cơ hội tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Để tăng năng lực của nông sản Việt Nam trong thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), đề xuất cần cơ cấu lại các mặt hàng nông sản gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt các mặt hàng cần chế biến sâu, nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng giá trị nông sản. Đồng thời, tăng cường công tác điều phối phát triển nông sản theo vùng, lãnh thổ, nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết, các chuỗi giá trị nhằm tận dụng lợi thế tại một số địa phương, vùng kinh tế.
Bên cạnh đó, cùng với việc nghiên cứu triển khai có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, đề án đầu tư phát triển các trung tâm cung ứng phục vụ cung ứng nông sản tới người tiêu dùng trên các thị trường, cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản, trong đó chú trọng đến các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Hội, cần tăng cường liên kết, phát huy vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp... trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến đến tiếp cận thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, tiếp cận thị trường nông sản.
Cùng với đó, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng, nhất là trong lựa chọn loại nông sản thích hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng, phát triển thương hiệu đi cùng với các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn