Có nhất thiết phải cho trẻ đến lớp giáo dục sớm để bồi dưỡng hay không? Hay có nên thuê giáo viên dạy riêng cho con để chuẩn bị cho quá trình vào lớp 1? Thực ra nếu không có điều kiện dư dả thì không nhất thiết phải chi quá nhiều chi phí. Muốn trau dồi năng lực học tập của trẻ, có thể thực hiện ngay từ cuộc sống hàng ngày.
Nhiều chuyên gia nuôi dạy con cái đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra rằng: Thường xuyên để trẻ làm việc nhà có thể khiến não bộ trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn, đồng thời cũng có thể cải thiện mối liên hệ giữa não trái và não phải.
Chẳng hạn, để nâng cao năng lực tư duy Toán học của con, một bà mẹ đã cho con rèn luyện bằng cách tham gia phân loại và sắp xếp. Cụ thể, trước 6 tuổi, chị để con sắp xếp tủ giày theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và theo từng lớp một cách riêng biệt.
Khi con lớn hơn, nhiệm vụ sắp xếp tủ sách ở nhà cũng là của con. Sách được đặt theo các phân loại, kích cỡ và độ dày khác nhau. Khi thực hiện công việc phân loại này, không những tủ sách được sắp xếp ngăn nắp mà con chị còn hình thành được thói quen yêu thích đọc sách, hễ có thời gian là sẽ vào phòng đọc.
Chị cũng cho con tham gia vào quá trình nấu ăn và hướng dẫn bé tính toán lượng muối và các gia vị. Một ưu điểm khác của việc tham gia nấu ăn là con chị đã tự lập hơn những đứa trẻ khác và có khả năng tự chăm sóc bản thân.
Đôi khi người bố ở nhà sửa chữa đồ gia dụng và nhà cửa, đây là cơ hội vận động rất tốt cho trẻ. Bố có thể nhờ con giúp việc đo chiều dài hoặc chiều rộng của đồ dùng trong nhà. Cùng bố sửa chữa đồ đạc, trẻ sẽ nắm vững kiến thức kích thước, đồng thời giúp nâng cao khả năng logic không gian.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều tiền lẻ, thay vì vứt lung tung, cha mẹ có thể cho con quản lý chúng. Đây là cách giúp trẻ học cách quản lý tiền, biết đếm và tiết kiệm tiền, phân loại tiền. Cha mẹ có thể cho trẻ biết chúng cần trả bao nhiêu tiền để mua sắm và cách xem giảm giá trong siêu thị.
Trên thực tế, việc cho trẻ tham gia tính toán chi tiêu trong gia đình cũng có thể rèn luyện khả năng tư duy logic và giúp trẻ hiểu về kỹ năng quản lý tài chính từ nhỏ. Điều quan trọng nhất là trong quá trình này, tư duy Toán học của trẻ cũng được rèn luyện một cách hiệu quả.
Đôi khi trẻ không muốn tham gia vào các hoạt động gia đình. Cha mẹ nên áp dụng những cách sau để thay đổi tình hình:
Thứ nhất: Khuyến khích trẻ nhiều hơn: Một số cha mẹ sẽ phàn nàn khi làm việc nhà, điều này vô tình truyền cảm xúc tiêu cực cho con cái. Nên có thái độ tích cực để khuyến khích trẻ tham gia cùng. Ban đầu cha mẹ con cái có thể làm cùng nhau để trẻ học được các kĩ năng, sau đó để con tự xử lý, phụ huynh chỉ giúp đỡ khi cần thiết.
Thứ hai: Khen ngợi kịp thời: Nhiều trẻ lần đầu tiên làm việc nhà, bất kể trẻ làm tốt hay không, cha mẹ cũng phải nghiêm túc khen ngợi để trẻ sẵn sàng cho lần tiếp theo.
Thứ ba: Cha mẹ nên thỉnh thoảng tỏ ra yếu đuối: Tại sao nhiều đứa trẻ lại cảm thấy làm việc nhà là trách nhiệm của cha mẹ? Bởi vì nhiều ông bố bà mẹ quá hà khắc hoặc nuông chiều, mọi việc liên quan đến sinh hoạt gia đình đều đứng ra làm thay con. Cha mẹ nên thỉnh thoảng thể hiện sự yếu đuối trước mặt con cái, cho trẻ biết cha mẹ cũng có lúc mệt mỏi, từ đó, chúng sẽ sẵn sàng chủ động gánh vác trách nhiệm của mình.
Cha mẹ chú trọng bồi dưỡng năng lực đảm đương việc nhà cho con, hình thành thói quen yêu lao động ngay từ nhỏ. Chỉ như vậy thì khi lớn lên, con mới có đủ dũng khí để tự đối mặt với cuộc sống của chính mình!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn