Phát biểu khai mạc Hội thảo “Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết ngắn gọn, chỉ khoảng 400 từ, song, đó là sự kết tinh và thể hiện tập trung những nội dung cơ bản tư tưởng của Người về thi đua ái quốc. Những nội dung này được trình bày hết sức logic, khoa học, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.
Cũng theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Lời kêu gọi thi đua ái quốc thực sự là văn kiện chứa đựng những chỉ dẫn hết sức quý báu, có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt là sự thể hiện rõ nét tính hệ thống và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, về xây dựng đời sống mới, xã hội mới, con người mới.
Phó Chủ tịch nước cho rằng, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ là sự chỉ dẫn quan trọng đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay. Đó là phải chú trọng truyền thống yêu nước của mỗi người Việt Nam trong phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; định hướng mục đích, nội dung, phương pháp, tổ chức lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước một cách toàn diện, thiết thực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sáng tạo, làm nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, đưa dân tộc ta vững bước trên con đường phát triển.
Phó Chủ tịch nước cho biết, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức sâu rộng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức, bám sát thực tiễn, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, địa phương, đơn vị.
Nhiều phong trào thi đua trong toàn quốc được phát động mang lại hiệu quả thiết thực, như: phong trào “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”…
Qua các phong trào thi đua, đã có nhiều sáng kiến, mô hình cải tiến kỹ thuật, các giải pháp, biện pháp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác được đề ra, góp phần phát huy mọi tiềm lực trong xã hội để xây dựng đất nước.
Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu được tôn vinh, khen thưởng kịp thời, trở thành những tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua các cấp, mang lại hiệu quả xã hội to lớn.
Tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Xuân Thắng, cho rằng, Lời kêu gọi thi đua ái quốc là nét đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện sự sáng tạo trong phương cách lãnh đạo của Đảng ta, nhằm khơi dậy sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa yêu nước không nên chỉ là một báu vật được cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta là làm cho những báu vật đó được đưa ra trưng bày, nghĩa là phải có sức lan truyền, khơi dậy, tổ chức lãnh đạo làm cho tinh thần yêu nước ấy của tất cả mọi người được thực hành vào công việc yêu nước. Bởi vậy, yêu nước trở thành mục tiêu, là động lực mạnh mẽ và lý tưởng nhân văn sâu sắc của thi đua. Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 90 tham luận của các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn, các nhà khoa học và các đại biểu đến từ nhiều cơ quan ở Trung ương, tỉnh, thành phố và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Hội thảo cũng nghe nhiều ý kiến tham luận trực tiếp.
Các tham luận khoa học đi sâu, làm sáng tỏ nhiều vấn đề, trong đó khẳng định Lời kêu gọi thi đua ái quốc là sự kết tinh và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam; sự khởi đầu một phong trào hành động thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội; khẳng định Lời kêu gọi thi đua ái quốc – cơ sở nền tảng cho việc xây dựng con người mới trong phong trào thi đua yêu nước, là những chỉ dẫn quý giá đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay...