Lời nguyền 4 thế kỷ của hiệp sĩ thánh chiến

19:50 | 19/07/2017;
Vụ án xử tử các hiệp sĩ dòng tu thánh chiến trên giàn lửa cách đây hơn 700 năm đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Lời nguyền kỳ bí nhất xung quanh vị trưởng dòng tu thánh chiến trên giàn hỏa thiêu vẫn còn ứng nghiệm đến 400 năm sau.
Những giàn thiêu oan nghiệt

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày cuối năm 1307, khi 3 hồng y giáo chủ vào nhà ngục Paris tra hỏi giáo trưởng Jacques de Molay cùng hơn 500 hiệp sĩ thánh chiến. Giáo hoàng cử họ đến vì vua Philipp của nước Pháp buộc tội Jacques de Molay phỉ báng chúa Trời, đồng tính, âm mưu với quỷ dữ...
loi-nguyen-cua-cac-hiep-si-thanh-chien-3.jpg
Tranh vẽ Jacques de Molay, Giáo trưởng cuối cùng của các hiệp sĩ thánh chiến trên dàn lửa

Các hồng y giáo chủ kết luận, giáo trưởng và các hiệp sĩ thánh chiến của ông ta đã không hề phạm tội. Sau đó đã xảy ra một trong những sự kiện mờ ám nhất trong lịch sử. Giáo hoàng Clemens V tuy nhẹ người, vì những bầy tôi trung thành vô tội nhưng vẫn công nhận lời buộc tội của vua Pháp và rút phép thông công các hiệp sĩ thánh chiến và giao họ cho tòa án của nhà thờ!

Trong 6 năm sau đó, sau nhiều lần tra khảo và "nhận tội", đa số các hiệp sĩ thánh chiến đã bị xử chết trên giàn lửa. Lý do thúc đẩy Giáo hoàng, tuy biết rõ sự thật, vẫn phản bội lại những bầy tôi trung thành nhất của mình cho đến nay vẫn là điều bí ẩn.

Trong gần 200 năm trời, các hiệp sĩ thánh chiến là cánh tay quân sự của Rôma đã phục vụ nhà thờ và phát triển thành một thế lực quân sự đa quốc gia, không chịu sự cai quản của bất cứ vua chúa nào, nắm trong tay vô số thành quách, trang trại ở châu Âu và đã gây dựng được một khối lượng tài sản khổng lồ. Khoảng 9.000 thành viên của dòng tu này là đội quân tinh nhuệ của nhà thờ trong cuộc "chiến tranh thần thánh" chống lại người Hồi giáo.

Lịch sử của họ bắt đầu năm 1119. Lễ phục sinh năm đó có 700 tín đồ thiên chúa giáo bị tấn công khi hành hương đến Jerusalem, 300 người bị giết và số còn lại bị bán làm nô lệ. Đúng lễ Giáng sinh năm đó, Hugo von Payens, một hiệp sĩ 19 tuổi người Pháp, cùng 8 người bạn đã thề bảo vệ những tín đồ thiên chúa giáo hành hương đến đất Thánh. Đó là những hiệp sĩ thánh chiến đầu tiên.
loi123.jpg
Hiệp sĩ thánh chiến thời Trung cổ

Sau này lực lượng của họ phát triển và họ không chỉ bảo vệ những người hành hương mà còn tham gia các họat động quân sự và nổi tiếng là những chiến binh trung thành với đức Chúa, không biết sợ hãi và giỏi chiến trận. 

Năm 1139, Giáo hoàng Innozenz III đặt họ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông. Đến giữa thế kỷ 13, dòng tu của các hiệp sĩ thánh chiến đã có hàng ngàn căn cứ và trở thành một trong những thế lực giàu có và hùng mạnh nhất châu Âu.

Hơn 100  năm sau khi thành lập, các hiệp sĩ thánh chiến đã lên đến đỉnh cao của thành công. Các giáo trưởng của dòng tu giao du với vua chúa và các Giáo hoàng, các hiệp sĩ thánh chiến tiến hành các cuộc thập tự chinh và trở thành một thứ "vũ khí công nghệ cao" của thời Trung cổ, là đội quân tinh nhuệ của thiên chúa giáo.

Những hiệp sĩ thánh chiến cuối cùng bị truy sát

Người ta đồn là các hiệp sĩ thánh chiến nắm được nghệ thuật luyện vàng và các năng lực phi phàm khác. Trong các tin đồn đó có một tin đồn cho đến nay vẫn làm nhiều người đau đầu: "Trong các cuộc thập tự chinh, bên cạnh những báu vật được bí mật mang về châu Âu, các hiệp sĩ thánh chiến còn tìm thấy một cái gì đó có thể gây áp lực lên Giáo hoàng!“.
loi-nguyen-cua-cac-hiep-si-thanh-chien-1.jpg

Có thể đó là lời giải thích, tại sao Rôma cho họ nhiều đặc quyền, đặc lợi đến thế và tại sao Giáo hoàng Clemens V lại cư xử kỳ lạ như vậy trong vụ xét xử giáo trưởng Jacques de Molay và các hiệp sĩ thánh chiến. Phải chăng khi đào bới ở Jerusalem, họ đã tìm thấy những tài liệu làm đảo lộn luận điểm của nhà thờ về cuộc đời của chúa Giêxu và làm sụp đổ toàn bộ học thuyết thiên chúa giáo?

Các hiệp sĩ thánh chiến đã tìm gì, liệu có tìm được gì không và sau đó mang thứ tìm được đi đâu? Họ đã không để lộ những điều đó với bất cứ ai. Khi các hiệp sĩ thánh chiến còn đang trên đỉnh vinh quang và quyền lực không ai dám đặt những câu hỏi đó với họ.

Năm 1291, mọi việc thay đổi. Năm đó, người Ai Cập chiếm lại được Jerusalem cho người Hồi giáo. Những hiệp sĩ thánh chiến sống sót rút về đảo Síp và bầu Jacques de Molay làm giáo trưởng cuối cùng của họ. Thời kỳ suy thoái của các hiệp sĩ thánh chiến bắt đầu.

Bắt đầu từ đó, các vua chúa căm ghét các hiệp sĩ thánh chiến và đã truy đuổi họ, trong đó vua Pháp Philipp V là người tích cực nhất. Năm 1307, tại đại bản doanh của các hiệp sĩ thánh chiến ở Paris, nhà vua đã ra lệnh bắt giữ 548 người, trong đó có giáo trưởng Jacques de Molay.

Họ có 3 lựa chọn: Nhận tội và hối cải được tha; không nhận tội bị tù chung thân; nhận tội rồi sau đó phản cung bị thiêu sống trên dàn lửa.

Ứng nghiệm lời nguyển

Đa số không chịu được đòn tra tấn. Ngày 18/3/1314, bốn người đứng đầu dòng tu của các hiệp sĩ thánh chiến, trong đó có giáo trưởng Jacques de Molay đã bị xử trước tòa. Ngay tối hôm đó, họ bị thiêu sống trên giàn lửa. Jacques de Molay không hề sợ hãi.

Từ giữa giàn lửa cháy ngùn ngụt ông ta đã thét lên nguyền rủa Giáo hoàng: "Clemens, tên đao phủ tàn bạo kia, trong vòng 40 ngày tới ta sẽ gọi người ra trước phiên tòa của những pháp quan cao nhất. Chúa Trời sẽ báo thù cho cái chết của chúng ta!“. Điều không tin, chỉ 33 ngày sau, Giáo hoàng Clemens đã chết, ít lâu đến lượt vua Philipp, pháp quan Raimundus von Lullus chết đầu năm 1316.

Lời nguyền của hiệp sĩ thánh chiến còn ứng nghiệm đến 400 năm sau. Trong cuộc cách mạng Pháp, ngày 21/1/1793, khi đứng trên đoạn đầu đài vua Lui 16 hỏi viên pháp quan là ai. Ông này trả lời: "Ta là một hiệp sĩ thánh chiến, ta đến đây để trả thù cho giáo trưởng Jacques de Molay".

Sau vụ thanh trừng hiệp sĩ thánh chiến của vua Philipp V ở Pháp, một số hiệp sĩ thánh chiến ở các nước châu Âu khác đã trốn thoát được. Anh và Scotland là những nơi ẩn náu họ ưa thích nhất và tại đó họ đã tái lập những chi nhánh đầu tiên của dòng tu. Tại Bồ Đào Nha, họ được các tu sĩ dòng tu "Các hiệp sĩ của Giêx" thu nạp.

Giáo trưởng Henrich của dòng tu này đã chi tiền cho những chiếc tàu thám hiểm đại dương treo cờ chữ thập đỏ - biểu tượng của hiệp sĩ thánh chiến. Đó cũng là biểu tượng của chiếc tàu Santa Maria của Columbus đã tìm ra châu Mỹ.

Tuy nhiên người ta nói rằng, từ rất lâu trước thời Columbus, các hiệp sĩ thánh chiến đã biết đến châu lục này rồi và thậm chí còn vẽ được bản đồ về tân lục địa này nữa. Đó cũng là một truyền thuyết, như bao truyền thuyết khác về những bí mật và lời nguyền của các hiệp sĩ thánh chiến.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn