Mùa báo cáo tài chính (BCTC) quý 2, bán niên 2023 đang đi đến giai đoạn cuối, những con số "biến động" sau kiểm toán vốn không còn lạ lẫm đối với các doanh nghiệp. Theo quan sát, nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm so với bản báo cáo tự lập trước đó, thậm chí lên tới cả trăm tỷ đồng, bị đưa vào diện nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (mã cổ phiếu: NVL, HOSE), doanh nghiệp thu hút sự chú ý đông đảo của dư luận trong thời gian gần đây, liên quan đến các vấn đề pháp lý dự án, thanh toán trái phiếu và đặc biệt là khoản lỗ lớn.
Theo BCTC hợp nhất quý 2 trước kiểm toán, số lỗ đạt 611,1 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, con số này chưa kết thúc khi BCTC sau kiểm toán cho thấy, lợi nhuận chính xác của NVL 6 tháng đầu năm là âm 1.094,3 tỷ đồng, giảm thêm 483,2 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến con số chênh lệch cả trăm tỷ trên, Novaland cho biết do trích lập dự phòng và điều chỉnh giảm thu nhập theo yêu cầu của kiểm toán. Bên cạnh đó, NVL giải thích thêm đã có thỏa thuận thống nhất lịch thu tiền, dự kiến trong năm tài chính 2023 sẽ ghi nhận khoản thu nhập 238,8 tỷ trong 483,2 tỷ đồng.
Diễn biến lợi nhuận những năm gần đây tại Novaland
Không chỉ "bốc hơi" cả trăm tỷ, kiểm toán PwC Việt Nam (tổ chức kiểm toán) nhấn mạnh về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn. Giả định được đưa ra, sự thiếu hụt dòng tiền, hạn chế về khả năng huy động vốn, các nghĩa vụ nợ ngắn hạn đến hạn trả đã gia tăng áp lực thanh khoản cho Tập đoàn từ cuối năm 2022 đến nay.
Liên quan đến điều này, Novaland đã cập nhật và chia sẻ minh bạch các khó khăn hiện nay: tình hình kinh tế thế giới, lãi suất tăng cao, tác động hậu COVID-19,… ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh doanh và thanh khoản của công ty.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã cổ phiếu: HBC, HOSE) chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán, lỗ 713,2 tỷ, "đi lùi" 815 tỷ đồng.
Khoản mục biến động lớn nhất của HBC do lợi nhuận từ việc bán tài sản của công ty mẹ giảm. Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng giảm 76% so với BCTC tự lập, xuống còn 23,4 tỷ đồng, con số này đến từ điều chỉnh khoản doanh thu trong chuyển nhượng công ty con. Hơn nữa, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 17%.
Cũng như NVL, Ernst & Young Việt Nam (tổ chức kiểm toán) nhấn mạnh về sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu, dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HBC. Cụ thể, doanh nghiệp phát sinh khoản lỗ 711 tỷ đồng trong 6 tháng qua, mức lỗ lũy kế đến thời điểm cuối quý 2 là hơn 2.800 tỷ.
Bên cạnh đó, HBC có các khoản nợ vay quá hạn, một số khoản vay trong đó đã được ngân hàng đồng ý gia hạn. Các khoản còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, doanh nghiệp đang trong quá trình xin gia hạn.
Tổng hợp nhóm doanh nghiệp lợi nhuận giảm sau kiểm toán bán niên 2023
Chung cảnh lỗ thêm trăm tỷ sau kiểm toán, Tập đoàn F.I.T (mã cổ phiếu: FIT, HOSE) chỉ đạt 32,9 tỷ đồng lợi nhuận đầu năm 2023, giảm 218,9 tỷ so với báo cáo tự lập. Sự thay đổi lớn này đến từ doanh thu tài chính giảm 71% sau kiểm toán, xuống mức 94,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, CTCP Tập đoàn C.E.O (mã cổ phiếu: CEO, HOSE) và CTCP COMA 18 (mã cổ phiếu: CIG, HOSE) cũng báo lợi nhuận giảm nhẹ so với BCTC tự lập, lần lượt xuống mức 61 tỷ đồng (-11,2 tỷ) và 5 tỷ đồng (-7,6 tỷ).
Trong đó, dù lợi nhuận sau soát xét giảm nhẹ, nhưng so với giải trình nguyên nhân có sự chênh lệch sau kiểm toán như sau: doanh thu và thu nhập không có gì thay đổi, nhưng, tổng chi phí (bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp) tăng 11,2 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm khoảng 15%.
Kiểm toán (soát xét) BCTC là công tác kiểm tra và xác nhận về tính chính xác và trung thực của số liệu, tài liệu kế toán và BCTC của các đơn vị kế toán. Mục đích là phục vụ cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin trên bản BCTC của doanh nghiệp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn