Hội thảo "Tuổi trẻ hành động vì biến đổi khí hậu" do Phái đoàn Liên minh châu Âu phối hợp với Nhóm công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG) và Đại học Đà Nẵng tổ chức sáng 27/9, trong khuôn khổ Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu 2019.
Hội thảo thu hút 250 đại biểu, bao gồm đại diện các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu ở Việt Nam và 200 sinh viên tới từ các Trường Đại học, Trung học phổ thông và Trường quốc tế tại Đà Nẵng.
Mục tiêu chính của hội thảo là thúc đẩy sự chủ động và cam kết xây dựng hành động vì khí hậu của giới trẻ. Đây là cơ hội để các bạn trẻ tham gia một cuộc trao đổi cởi mở nhưng mang tính xây dựng, đồng thời khám phá những hành động cụ thể và hiệu quả trong cuộc sống hằng ngày để tạo ra thay đổi tích cực.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe những câu chuyện cụ thể của thành phố Đà Nẵng và 5 thành phố khác của Việt Nam trong hành trình tham gia “sân chơi” Thành phố Xanh quốc tế, một sáng kiến do WWF khởi xướng, hay thành công từ việc chuyển đổi sang mô hình canh tác bền vững của Hòa Vang, một huyện nông nghiệp của Đà Nẵng.
Phần nội dung thu hút hơn cả với các bạn sinh viên là các ví dụ thực tế gần gũi, giúp các bạn trẻ hiểu được lối sống của mình có ảnh hưởng thế nào đến biến đổi khí hậu. Lựa chọn cách tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến tương lai, do đó, thái độ của giới trẻ hôm nay rất quan trọng trong việc thay đổi cách suy nghĩ của toàn xã hội.
Các bạn trẻ được cung cấp những ví dụ thực tiễn về cuộc sống ít carbon, để thay đổi qua việc tiêu dùng hằng ngày như lựa chọn thức ăn, giảm rác thải - tái chế và tái sử dụng, lựa chọn nguồn năng lượng, tiết kiệm điện và nước…
Sau mỗi bài trình bày đều có phần hỏi đáp kéo dài 15 phút để các bạn sinh viên có cơ hội trao đổi trực tiếp với các diễn giả và bày tỏ ý kiến của mình. Sự hào hứng tham gia thảo luận của sinh viên cho thấy, các bạn trẻ nhận thức rõ việc mình có thể trở thành những tác nhân thay đổi.
Trong sáng 27/9, Dự án Phát triển Năng lượng Mặt trời tại Đà Nẵng (DSED) cũng đã khánh thành hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, thành phố Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, chia sẻ: “Chỉ sau 3 tháng đi vào vận hành thử nghiệm, hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái đã sản xuất tổng sản lượng điện 3.561 kWh, tiết kiệm 25-30% tổng nhu cầu sử dụng điện của nhà trường. Hệ thống điện mặt trời không những bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm chi phí cho nhà trường trung bình 2,2 triệu đồng/tháng”.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời lắp mái là một trong những giải pháp quan trọng giúp tiết kiệm chi phí tiền điện nhờ tự cung tự cấp nhu cầu sử dụng điện, giảm sức ép về nhu cầu điện lên lưới điện quốc gia và bảo vệ môi trường.
* “Phong trào “Thanh niên vì khí hậu” đang phát triển nhanh chóng trên khắp thế giới là minh chứng cho thực tế hiện nay rằng nhận thức của xã hội về biến đổi khí hậu ngày càng được nâng cao. EU đã đi đầu trong việc hành động vì khí hậu và mong muốn thúc đẩy đối thoại và hỗ trợ cho sự thay đổi cần thiết, để giúp Việt Nam trở thành quốc gia có phát thải thấp và ứng phó được với biến đổi khí hậu”, ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác Phát triển của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. * “Chúng tôi ủng hộ giới trẻ và đánh giá cao những nỗ lực của giới trẻ trong việc nâng cao nhận thức về một vấn đề đáng lo ngại và cấp bách như biến đổi khí hậu. Tương lai và sự sống trên Trái đất phụ thuộc vào hành động của chúng ta. Chúng ta đã thấy hôm thứ Sáu tuần trước, hàng triệu người trên thế giới biểu tình chống biến đổi khí hậu, lấy cảm hứng từ nhà hoạt động Greta Thunberg. Do đó, chúng ta cần chung tay thúc đẩy hành động mạnh mẽ hơn về biến đổi khí hậu”, bà Axelle Nicaise, Đại biện lâm thời của Phái đoàn EU tại Việt Nam |
Các hoạt động của Tuần lễ ngoại giao khí hậu châu Âu 2019 sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hội An từ ngày 27/9 đến 6/10 Sáng 28/9: Sự kiện đạp xe ở Hội An do tổ chức GIZ của Đức phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hội An thực hiện. Sáng 3/10: Buổi chiếu phim “Truy tìm rạn san hô” với nội dung về sự ấm lên của đại dương và tác động tới các rạn san hô và sinh vật biển, sau đó là phần thảo luận với giới trẻ. Ngày 5 - 6/10: Chiến dịch làm sạch khu vực chân cầu Long Biên, phối hợp với tổ chức Keep Hanoi Clean. Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu năm nay hướng tới giới trẻ, những người có tương lai chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Hiện nay, biến đổi khí hậu là một thực tế cấp bách và nếu chúng ta không hành động, nó sẽ ngày càng ảnh hưởng tới tương lai của giới trẻ cũng như các thế hệ con cháu. |