Ông Phan Vĩnh Thắng, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết, điện thoại thông minh giờ đây trở thành "vật bất ly thân" của nhiều người. Đó không chỉ là một công cụ liên lạc mà còn để khám phá thế giới. Giáo viên có thể sử dụng điện thoại thông minh để tạo ra những bài giảng sinh động, có tính tương tác cao trên lớp học.
Theo ông Thắng, không nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học mà nên đưa ra giới hạn đối với các em; nên có những tiết học mà giáo viên khuyến khích học sinh sử dụng điện thoại để có thể ứng dụng công nghệ vào học tập.
Đồng tình với quan điểm trên, chị Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng (CFC) Việt Nam, chúng ta nên có những quy định để vừa đảm bảo việc học tập vừa đáp ứng nhu cầu kết nối của học sinh.
Nhấn mạnh về những bất cập nếu cấm tuyệt đối học sinh sử dụng điện thoại trong trường, chị Nguyễn Hoàng Anh nêu rõ: "Học sinh THPT cần sử dụng điện thoại để tìm tài liệu trong bối cảnh ngành giáo dục đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Không có thiết bị công nghệ, các em bị giới hạn việc tìm hiểu thông tin trên mạng, các phần mềm hữu ích".
Theo các chuyên gia, thời đại số, việc tích hợp công nghệ vào quá trình dạy và học là xu hướng tất yếu. Việc cấm tuyệt đối học sinh sử dụng điện thoại trong trường có thể khiến các em cảm thấy tò mò, thậm chí tìm cách sử dụng điện thoại một cách lén lút.
Vì vậy, việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học cần phù hợp với từng cấp học và môn học nhằm vừa đảm bảo kỷ luật, vừa khuyến khích học sinh sử dụng công nghệ trong học tập một cách hiệu quả.
Đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này, cô giáo Cao Linh (Phòng quản lý chuyên môn, Công ty Gia sư eTeacher TPHCM) cho biết:
Thứ nhất, ở những môn học cần tìm kiếm kiến thức ngoài sách giáo khoa, thuyết trình theo nhóm, nhà trường cần cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong khung thời gian nhất định, dưới sự giám sát của giáo viên bộ môn.
Thứ hai, nhà trường tổ chức các buổi thảo luận về lợi ích và bất cập của việc sử dụng công nghệ trong học tập, giúp học sinh hình thành quan điểm và kỹ năng phản biện, nhận diện những tác động tiêu cực nếu lạm dụng điện thoại, tạo khả năng chủ động "phòng vệ" cho các em trước những thách thức của công nghệ.
Thứ ba, có thể tổ chức những chiến dịch ngắn như "Giờ không điện thoại", học sinh sẽ không dùng điện thoại trong bao nhiêu giờ của một ngày và chia sẻ cảm nhận của cá nhân về việc này ở những tiết sinh hoạt chung của lớp.
Thay vì cấm đoán, thầy cô nên tạo một môi trường học tập tích cực, khuyến khích học sinh sử dụng internet một cách có trách nhiệm là ý kiến của chị Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc CFC Việt Nam.
Bên cạnh việc trang bị kiến thức về an toàn trên không gian mạng, nhà trường cần dạy cho học sinh các kỹ năng đánh giá thông tin, phân biệt đúng sai và sử dụng các công cụ tìm kiếm một cách hiệu quả.
Quan trọng hơn cả là phải trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình trong môi trường mạng. Nhà trường có thể đưa ra quy định như không dùng điện thoại trong nhà ăn, trong giờ học. Còn lại học sinh có thể sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin phục vụ cho việc học tập tại thư viện hoặc các khu vực được quy định.
"Chúng tôi đang nghiên cứu một số công cụ AI để hỗ trợ, hướng dẫn học sinh sử dụng AI có trách nhiệm. Chúng tôi cũng đã phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai chương trình "Em an toàn cùng Google", hướng dẫn học sinh tiểu học những kỹ năng an toàn trên không gian mạng.
Ngoài việc tạo "tường lửa" để chặn các trang web xấu, cần hướng dẫn trẻ các kỹ năng sử dụng internet an toàn và hiệu quả. Vấn đề về kỹ năng và kỹ thuật luôn phải song hành với nhau", chị Hoàng Anh nói.
Bài sau: Nhìn từ kinh nghiệm các nước
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn