Với phần lớn mọi người, mẹ có lẽ là người thân thiết nhất từ khi chúng ta sinh ra. Do vậy, không có gì lạ khi mẹ cũng chính là người có tác động lớn nhất đến cách mỗi người quản lý tài chính.
Nhi Phạm (sinh năm 2000, ở Hà Nội) chia sẻ rằng mẹ là người ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời. Cách chi tiêu của cô bạn và mẹ cực giống nhau: làm nhiều, tiêu nhiều, có làm thì mới có cái để ăn, tuy nhiên luôn phải có 1 khoản tiết kiệm để phòng bị lúc cần thiết.“Mình khâm phục nhất vẫn là cách mẹ để cho dòng tiền luôn chảy, không phải chỉ mỗi việc là kiếm tiền mà còn tích trữ. Khoản tiền mẹ dành ra chắc chắn phải sinh lời vì mẹ mình tính toán rất kỹ và chi tiết”.
Mẹ của Nhi Phạm luôn trong trạng thái đầu tư, kinh doanh, có nhiều nguồn thu nhập để tránh những rủi ro trong tài chính. Và đặc biệt, Nhi Phạm cũng đã học hỏi điều này từ mẹ, cô bạn đang phụ trách mảng Marketing trong ngành khách sạn, vừa vận hành 3 dự án kinh doanh cá nhân về sức khỏe, tiêu dùng, ẩm thực và phụ giúp việc kinh doanh của gia đình. Thời gian gần đây cô bạn có tìm hiểu và đầu tư các kênh mạng xã hội cá nhân cũng như các trang thương mại điện tử nhằm tạo ra một nguồn thu nhập mới. Những công việc này đem đến khoản thu nhập 35-50 triệu/tháng.
Mặt khác, mẹ của Nhi Phạm đặc biệt không khắt khe trong việc tiêu tiền của cô bạn. Tuy nhiên mẹ luôn nhắc cô bạn rằng đồng tiền kiếm ra không dễ, phải giỏi, phải có kiến thức thì mới có được đồng tiền. “Thay vì nhắc mình tiết kiệm, mẹ dạy mình sống đơn giản hơn, những thứ cần thiết thì mới mua, không thì thôi. Dần dần đi đâu mua sắm mình cũng phải tính xem là chiếc túi này hợp với bao nhiêu bộ, hay mình xem có thể biến tấu nó hay không”.
Hiện tại, đối với những dự định to lớn tất nhiên Nhi Phạm sẽ tham khảo ý kiến của mẹ vì mẹ là người rất giỏi, biết đặt tiền và chia tiền đúng chỗ.
Thanh Ngân (sinh năm 1998, ở Hà Nội) chia sẻ rằng gia đình chỉ có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, cô bạn rất cảm phục, từ lúc còn bé cho tới giờ, mẹ luôn chứng minh cho các thành viên gia đình thấy những món mẹ mua đều là tốt nhất. Mẹ biết tiết kiệm và chi tiêu 1 cách hợp lý. “Bình thường mình đi làm đôi khi còn áp lực vì chi vượt quá thu và để phát sinh chuyện phải dùng đến tiền tiết kiệm. Song, chuyện này với mẹ mình là không bao giờ xảy ra".
Ngay từ khi còn bé, cô bạn đã nhận thấy mẹ có thói quen đầu tư rất nhiều tiền vào đồ gia dụng, nội thất, còn quần áo hàng ngày mẹ lại hay thích săn sale và mua ở mức giá rẻ. Hồi đó, cô bạn nghĩ là việc săn sale rất tốn công sức, và đồ gia dụng không quan trọng tới mức phải đầu tư số tiền lớn như vậy. “Sau này lớn hơn, mình mới thấy thấy cách chi tiêu này là rất thông minh. Những thứ đem tới giá trị lâu dài thì mình không nên tiếc tiền, còn những sản phẩm như quần áo, thực ra chỉ có giá trị theo mùa, chưa kể quần áo ở mức giá rẻ cũng có nhiều đồ rất đẹp. Do vậy, mình hiện tại học cách giảm số tiền chi vào quần áo bằng cách mua đồ giảm giá hoặc đồ ở những tiệm second hand, còn những món hàng có giá trị lâu dài mình sẽ cân nhắc đầu tư nhiều hơn”.
Cho đến bây giờ, Thanh Ngân vẫn tham khảo ý kiến của mẹ trong các khoản chi tiêu. “Mẹ là người góp ý để mình chi tiêu hợp lý hơn. Bất kể món đồ nào dù lớn hay nhỏ, mình cũng đều hỏi ý kiến mẹ trước xem có nên mua hay không”.
“Có lẽ hơi khác mọi người, ngay từ khi còn bé mình đã được mẹ cho tiền tiêu vặt từ lớp 1 và tự mua đồ ăn sáng khi ở lớp 4. Thật ra, lúc đó mình thường xuyên tiêu sạch tiền để mua những món đồ như sticker hay truyện, thậm chí nhịn ăn sáng để mua món đồ mình yêu thích. Tuy nhiên, những khi có món đồ rất muốn mua nhưng không đủ tiền, hay những lần không ăn sáng rồi đói khiến mình học được rất nhiều điều. Đó chính là phải tiêu tiền cho nhu cầu cũng như luôn tích lũy tiền phòng tránh trường hợp cần gấp", Linh An (sinh năm 1997, Hà Nội) chia sẻ.
Dù cho con gái tiền tiêu vặt, mẹ của Linh An lại là người sống rất tiết kiệm. Chẳng hạn như tất cả các món đồ trong nhà thay vì mua mới khi bị hỏng thì sẽ sửa cho đến khi không thể “cứu vãn". Bên cạnh đó, những lúc vào mùa, mẹ sẽ mua rất nhiều loại quả của mùa đó để tiết kiệm hơn mà vẫn có thể thưởng thức những món ngon. Gia đình của cô bạn cũng thường xuyên du lịch trái mùa để vừa hưởng thụ vừa tiết kiệm được một khoản kha khá.
“Mình cũng nhận ra rằng mẹ luôn đa dạng trong tiết kiệm. Tức là thay vì gửi toàn bộ tiền vào ngân hàng hay để trong két sắt, mẹ sẽ gửi một phần tiền vào ngân hàng rồi mua vàng cũng như mua bất động sản. Mẹ bảo với mình rằng đây là cách để nắm bắt thời cơ trên thị trường tài chính cũng như tránh rủi ro nếu một lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi yếu tố chung".
Từ năm 22 tuổi, mẹ đã cùng Linh An đầu tư vào vàng cũng như mua bảo hiểm. Cô bạn chia sẻ rằng từ khi tốt nghiệp đại học, mẹ luôn chia sẻ với cô về những quyết định tài chính lớn cũng như dạy cô cách đầu tư vào tài sản lớn. Linh An nhận ra rằng nhờ mẹ mà ở tuổi 26, cô bạn đã tích lũy được một khoản tiền khá lớn ở đa dạng danh mục.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn