Hội nghị có sự tham dự của các tập đoàn phân phối, bản lẻ trong nước và nước ngoài; gần 100 doanh nghiệp nước ngoài; đại diện hơn 100 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết, năm 2024, dù gặp nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị và chi phí vận tải tăng, Việt Nam vẫn đạt những thành tựu xuất nhập khẩu ấn tượng.
Theo bà Phan Thị Thắng, Long An là một trong những tỉnh tích cực hội nhập, nỗ lực thích ứng linh hoạt chiến lược nhằm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ. Long An là địa phương đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu, đứng top đầu các tỉnh/thành phố về kim ngạch thương mại.
Các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh chủ lực của Long An đã đóng góp phần lớn vào thành công của tỉnh bao gồm nông sản, thực phẩm chế biến, đồ gồ, dệt may và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Tỉnh cũng tập trung đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng, giao thông vận tải trọng điểm để kết nối các khu vực, các cụm công nghiệp, trung tâm logistics...
"Hội nghị lần này không chỉ dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu, môi trường đầu tư của tỉnh Long An mà còn là tiền đề để kết nối giao thương, kết nối và thiết lập các mối quan hệ đối tác lâu dài; củng cố và mở rộng chuỗi ứng hiện tại, xây dựng các chuỗi cung ứng mới theo hướng bền vững hơn, góp phần đưa các sản phẩm chủ lực của Long An nói riêng và Việt Nam nói chung vươn xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tăng cường kết nối, mở rộng thị trường xuất khẩu
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết, sau hội nghị kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu được tổ chức vào năm 2023, tỉnh đã đón nhiều đoàn doanh nghiệp ở các nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương, xúc tiến thương mại. Đến nay, tình hình thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục tăng, đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã thu hút 95 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký hơn 640 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI lên 1.366 dự án với tổng vốn đăng ký trên 12,5 tỉ USD, đứng top 10 cả nước về thu hút đầu tư FDI.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Lâm, trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng.
Ông Tạ Minh Đức, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết, với dân số 125 triệu người, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn với hàng nông thủy sản - thực phẩm nhập khẩu. Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu nhiều về cá, tôm, lươn, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, đậu nành, ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Bên cạnh đó, hiện nay có khoảng 460.000 người Việt sống tại Nhật Bản. Hàng thực phẩm Việt ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản.
Theo ông Tạ Minh Đức, để vào thị trường Nhật Bản thì các doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam cần đảm bảo chất lượng sản phẩm; đảm bảo sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng vì thị trường và người tiêu dùng Nhật có tiêu chuẩn cao. Nhật Bản là cửa ngõ khó vào nhưng nếu đã vào được thì xuất khẩu sẽ ổn định và lâu dài, đồng thời có thể mở rộng đi các nước khác.
Ông Trịnh Văn Hải - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An - cho biết, hiện tại tỉnh đã thu hút 650 dự án đầu tư vào các khu cụm công nghiệp, với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 84%. Những kết quả này cho thấy môi trường đầu tư của Long An vô cùng hấp dẫn, minh bạch và thuận lợi. Hiệp hội sẽ cùng các doanh nghiệp hội viên xây dựng, mở rộng chuỗi cung ứng, tăng cường kết nối thương mại điện tử và phát triển các hệ thống phân phối, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn