Theo số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tỉnh hiện có 11 huyện miền núi với nhiều người dân tộc thiểu số như: Mông, Thái, Mường sinh sống. Do nhiều khu vực biên giới còn nặng quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm để có nhân lực làm nương rẫy, giữ của cải trong nhà, đặc biệt ở dân tộc Mông, nên tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại.
Theo đó, tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch nhằm giảm thiểu tình trạng này, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính nên chưa có tính răn đe cao. Bởi vậy, giai đoạn 2020 - 2022, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 14.700 cặp kết hôn, trong đó có 325 cặp tảo hôn và 1 cặp hôn nhân nhân cận huyết thống (Theo thống kê của Ban dân tộc tỉnh).
Để giải quyết tình trạng này, đại diện lãnh đạo Ban dân tộc tỉnh cho biết, hiện cơ quan đang thực hiện đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đẩy lùi tình trạng này tại các xã miền núi". Thanh Hóa, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua các hội nghị, tập huấn, nói chuyện truyền thông, hội thi, giao lưu văn hóa, văn nghệ; tuyên truyền qua pano, áp phích, tờ rơi, sổ tay...
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tranh thủ sự ảnh hưởng của người có uy tín, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân. Ngoài ra, chính quyền các địa phương địa phương ở 11 huyện miền núi đã xây dựng các mô hình điểm tại trường học về tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức nói chuyện truyền thông cho học sinh tại các trường THPT, trường dân tộc nội trú; tổ chức sinh hoạt định kỳ các câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân, hạn chế tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số..
Tại các huyện như Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Như Thanh, Quan Sơn, Quan Hóa, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Như Xuân... giai đoạn 2021-2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan, trong đó liên kết chặt chẽ với Hội LHPN các cấp tổ chức 7 hội nghị tập huấn về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho gần 1.000 đại biểu là đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên cấp xã, cấp huyện khu vực miền núi, biên giới; thời thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài... Biên soạn, phát hành, cấp phát 9.015 cuốn sổ tay, 14.340 tờ áp phích đến 174 xã, 21 thôn/bản vùng dân tộc thiểu số thuộc 11 huyện miền núi trong tỉnh.
Ở các cấp Hội, nội dung chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt. Đặc biệt, từ năm 2021, Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030) đã có nhiều hoạt động uyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới (LGG) cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Để giảm đến mức thấp nhất, dần xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa xác định, trong giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục tranh thủ nguồn phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn