Lòng hiếu thảo của con cứu mẹ sống lại

16:56 | 10/05/2016;
Được con gái kiên trì chăm sóc suốt 18 năm, điều kỳ diệu xảy ra khi người mẹ không chỉ khỏe mạnh, ăn uống bình thường mà còn có thể nói chuyện.
con-hieu-thao.jpg

18 năm trước, bà Bành Kiến Học ở huyện Trường Ninh, thành phố Nghi Tân (Trung Quốc) mắc phải chứng bệnh mất trí tuổi già. Con gái bà Học là chị Lý Đức Ngọc đã chuyển việc để tiện ở bên cạnh chăm sóc mẹ nhiều nhất có thể.

Ngày nào sau giờ làm, chị cũng về đưa mẹ đi dạo bộ, chăm lo việc ăn uống và sinh hoạt thường ngày của mẹ. Bố bị giãn phế quản, khí phế thũng và đau tim, chị Ngọc cũng phải thường xuyên đưa ông đi cấp cứu. Trong suốt một năm đó, để cứu chữa cho bố mẹ, hai vợ chồng chị đã phải chạy vạy tứ phương.

Đến năm 2005, gia đình chị Ngọc tiếp tục đối mặt với biến cố khi mẹ chị bị nhồi máu não, bác sĩ báo rằng cho dù cứu chữa được thì bà cũng trở thành người thực vật. Dưới áp lực kinh tế và áp lực tinh thần, nhiều người khuyên chị nên từ bỏ việc cứu chữa cho mẹ, nhưng chị lại tỏ ra vô cùng kiên quyết: “Chỉ cần mẹ tôi còn thở thì khó khăn thế nào tôi cũng không từ bỏ cứu chữa cho bà”.

Sau khi được cứu sống và trở thành người thực vật, bà Học đã nhiều lần chết đi sống lại. Trong thời gian bà mất đi ý thức, chị Ngọc thường xuyên ở bên cạnh kể chuyện và hát cho bà nghe, chị tin rằng một ngày nào đó mẹ có thể cùng nói chuyện và hát với mình. Mỗi ngày chị đều nhắc lại những kỷ niệm của hai mẹ con khi chị còn nhỏ, nhiều lúc nước mắt không kìm được cứ thế rơi xuống. Chị chỉ mong mẹ có thể tỉnh lại để mình còn cơ hội hiếu thuận với bà. Ngày nào cũng như ngày nào, ngoài việc xoa bóp cho mẹ, chị Ngọc còn mời thầy thuốc châm cứu cho bà.

Một hôm sau khi xuất viện nửa tháng, chị Ngọc nói chuyện với mẹ như bao ngày khác rồi chợt nhận thấy bà gật đầu đáp lại, làm chị vui mừng khôn tả. Dần dần bà Học lấy lại được ý thức, chỉ có điều nửa người bên trái bị tê liệt, chị Ngọc thấy đây là chuyển biến tốt càng thêm nỗ lực cứu chữa cho mẹ.

Chị tìm mọi cách giúp bà vận động, tập luyện cơ thịt ở chân và tập đi lại. Sau khi giúp mẹ tắm rửa, thay đồ, chị Ngọc cõng bà ra bờ sông, vừa đi dạo bộ, vừa cho bà ăn. Cứ thế 18 năm trôi qua, hiện nay tình trạng của bà Học đã được cải thiện hơn trước rất nhiều.

Chị Ngọc chia sẻ: “Bố mẹ khi về già thật giống với búp bê, cần được chăm sóc, cho ăn, cho mặc. Lúc còn nhỏ bố mẹ đã rất vất vả để nuôi chúng ta khôn lớn, bây giờ đổi lại chúng ta hiếu kính với họ”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn