Chị Thu Thủy - phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 tại một trường tiểu học công lập địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) - sau khi nhập học cho con, biết sĩ số của lớp lên đến 68 học sinh đã vô cùng hoang mang. Con trai chị vốn nhút nhát, khi đến trường nhận lớp, nhận thấy tình trạng khá… hỗn loạn đã cuống cuồng đòi mẹ đưa về nhà.
“Hôm đến nhận lớp, tôi cũng rất hoang mang. Lớp học diện tích chật, bàn ghế xếp ngan ngát không còn một không gian trống nào, 3 bạn dồn vào một bàn, ngồi đã thấy nghẹt thở! Con tôi đi học hè được mấy hôm rồi mà cứ hôm nào đi muộn là lại phải ngồi cuối lớp. Không rõ như thế này thì con học hành kiểu gì đây!” - chị Thủy thở dài.
Cùng cảnh ngộ, một nữ phụ huynh có con gái vào lớp 1 tại trường Tiểu học Phan Đình Giót (Q.Thanh Xuân) cũng lo lắng khi sĩ số lớp con chị là 67 cháu. Toàn khối 1 có 8 lớp 1 thì lớp đông nhất lên đến 69 học sinh, đa phần đều không dưới 65 học sinh/lớp.
“Con gái đi học về kể ngồi bàn cùng với 2 bạn nữa, đều to béo hơn con nên con ngồi rất chật chội, đau lưng. Buổi trưa nằm ngủ còn không xoay người nổi vì chật. Ngồi học, nằm ngủ đã không đảm bảo thì chắc chắn việc học cũng không thể tốt được! Biết là năm nay đông nhưng tôi không nghĩ là lại quá tải đến mức này! Nhìn cô giáo chật vật xoay xở với chừng ấy học sinh, tôi thật sự rất thông cảm!” - nữ phụ huynh này chia sẻ.
Được biết, trường Tiểu học Phan Đình Giót trước tình trạng quá đông học sinh nhập học vào lớp 1 nên đã có phương án mở thêm một lớp mới, nâng tổng số lớp khối 1 lên 9 lớp. Tuy nhiên, sau khi san sẻ học sinh, sĩ số của các lớp theo ghi nhận vẫn trên 60 em/lớp.
Đại diện nhà trường cho biết trường đã bố trí phòng học và giáo viên cho lớp 1 mới mở thêm này, nhằm giảm áp lực về sĩ số cho toàn khối. Từ ngày 15/8, học sinh có tên trong danh sách lớp mới nhận lớp và tiếp tục chương trình học hè cho đến hết tháng 8/2018.
Lộ diện nhiều bất cập
Không chỉ ở quận Thanh Xuân, nhiều trường tiểu học thuộc quận Cầu Giấy cũng lâm vào tình trạng “vỡ trận” như trên. Chị Trần Thanh Mai có con học trường tiểu học Nghĩa Đô thuộc quận này, lo ngại: “Lớp con tôi sĩ số 66 con/lớp. Đông thế này thì cô dạy thế nào được? Chỉ giữ cho các cháu giữ trật tự không đánh nhau đã mất nửa buổi rồi, mà hơn 60 cháu/lớp thì nhớ sao nổi”.
Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, việc sĩ số quá đông trong một lớp khiến họ lo lắng về chất lượng học tập của các con. Chỉ riêng bầu không khí trong lớp học đông đúc ồn ào đã khiến các bố mẹ đến đón con đã thấy khó thở. Rồi việc giữ trật tự lớp học, đặc biệt là sự quan tâm của giáo viên đối với các học sinh, rõ ràng là khó có thể sát sao được với sĩ số đông như vậy.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2018-2019, toàn thành phố có khoảng trên 130.000 trẻ vào học lớp 1, tăng 30.000 trẻ so với năm học trước.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đối với tuyển sinh lớp 1 năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT đã có quy định, sẽ đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khoẻ được vào lớp 1.
“Việc phân tuyến tuyển sinh và giao chỉ tiêu phải phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ của từng trường, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. Hạn chế học sinh trái tuyến ở những trường có số lớp quá đông. Nếu sĩ số học sinh/lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, Phòng GD&ĐT phải có văn bản báo cáo UBND quận, huyện, thị xã và báo cáo Sở, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng quá tải học sinh ở các trường học”, ông Toản cho hay.
Tuy nhiên, ông Toản cũng thừa nhận, mặc dù có quy định về sĩ số học sinh trung bình từ 35-40 học sinh/lớp học, nhưng năm học này học sinh đông hơn năm trước nhiêu gây khó khăn cho các trường.
Việc quá tải dồn vào 5 quận huyện Thanh Xuân, Hà Đông, Nam - Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy. Sở cũng đã có chỉ đạo với các quận, huyện cần bố trí tăng thêm các lớp, phòng học không để tình trạng một lớp quá đông như vậy, chỉ có thể chấp nhận vượt lượng ít so với quy định.
“Hiện Sở vẫn đang tiếp tục cập nhật tình hình nhập học từ các trường cụ thể. Chúng tôi sẽ đôn đốc các địa bàn, các trường bố trí thêm lớp để giảm tải học. Việc này sẽ thực hiện trong tháng 8 để vào năm học mới chính thức không còn tồn tại 60-70 học sinh/lớp học”, ông Toản nhấn mạnh.