Theo Bộ Ứng phó Khẩn cấp Trung Quốc, các đợt mưa lớn kể từ đầu tháng 6 đến nay đã khiến nhiều tỉnh, thành phố ở Trung Quốc ngập lụt nghiêm trọng. Hiện tại, dù lượng mưa trong tháng 7 đã có dấu hiệu suy giảm, tuy nhiên tình hình vẫn còn khá phức tạp.
Hãng Bloomberg (Mỹ) đưa tin, lượng mưa trung bình của tháng 6/2020 tại khu vực miền Nam của Trung Quốc đã lên cao thứ 9 trong lịch sử kể từ năm 1961, gây ảnh hưởng đến ít nhất 12 triệu người tại 13 tỉnh thành của nước này. Tính đến nay, đã có ít nhất 106 người chết và mất tích, khoảng 97.000 ngôi nhà bị phá hủy, tổng thiệt hại đã đến hơn 25 tỷ nhân dân tệ (hơn 3,6 tỷ USD hoặc hơn 82 nghìn tỉ VND).
Những hình ảnh được chia sẻ trên truyền thông và mạng xã hội đã cho thấy, hậu quả nghiêm trọng từ thời tiết khắc nghiệt ở khu vực này gồm: nhà cửa đổ sụp, nước cuốn trôi cả ô tô, cây trồng bị vùi lấp dưới bùn đất, còn những cánh đồng lúa đã biến thành biển nước… Ở Dương Sóc, tỉnh Quảng Tây, một cây cầu treo bị nhấn chìm hoàn toàn dưới nước. Đường bộ và đường sắt ở Trùng Khánh, gần dòng Kì Thủy, cũng chịu chung số phận. Một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, nơi vừa hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng vì Covid-19.
Cuối tháng 6, lực lượng cứu hộ đã phải đập vỡ cửa ôtô để giải cứu người mắc kẹt do nước lũ ở Nghi Xương, thành phố chắn cửa phía Đông của đập Tam Hiệp, một trong những đập lớn nhất thế giới. Các nhà môi trường cảnh báo rằng tình trạng này vẫn còn trầm trọng, trừ khi Trung Quốc kiểm sát vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng một cách triệt để và tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới được cải thiện.
Tiến sĩ Liu Junyan của Bộ Ứng phó Khẩn cấp Trung Quốc cho biết: "Lũ lụt tàn khốc mà chúng ta quan sát thấy là do biến đổi khí hậu. Nhu cầu cấp thiết hiện nay là tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm cho các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, để đánh giá rủi ro khí hậu ở các thành phố và cải thiện hệ thống quản lý thời tiết".
Đợt lũ lụt năm nay đang gây ra tác động lớn về nông nghiệp lẫn năng lượng của Trung Quốc. Ít nhất 80.000 ha đất trồng lúa, hoa màu và trái cây tại tỉnh Hồ Bắc chịu thiệt hại. Các chuyên gia cảnh báo, sản lượng năm nay sẽ giảm đáng kể vì mưa lũ.
Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết, sẽ còn có thêm 2 đợt mưa lớn trong những ngày tới. Kể từ đầu tháng 6 đến nay, đã có 5 đợt mưa lớn được ghi nhận ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc và đơn vị này đã phải phát cảnh báo giông bão gần như liên tục mỗi ngày.
Theo ông Chen Tao, chuyên gia dự báo thời tiết tại Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, tính đến cuối tháng 6, ít nhất 25 con sông lớn ở Trung Quốc đã vượt quá mức báo động lũ lụt. Lượng mưa tích lũy trong năm nay cao gấp đôi so với mức thông thường.
Bộ Quản lý Trình trạng Khẩn cấp Trung Quốc cho biết đã kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp cấp độ 4 nhằm kiểm soát tình hình lũ lụt do mưa lớn kéo dài. Trong khi đó, Ủy ban Thủy lợi Trường Giang đã phát đi cảnh báo khẩn cấp rằng trận lũ số 1 có thể xảy ra ở thượng nguồn sông Trường Giang.
Lưu lượng nước đổ về hồ chứa của đập Tam Hiệp hôm 2/7 ghi nhận được ở mức 50.000 m3/s, trong khi đó mực nước ở trạm Liên Hoa Đường trên sông Trường Giang lên xấp xỉ 31,7m. Theo quy định của Trung Quốc khi lưu lượng nước đổ về đập Tam Hiệp đạt từ 50.000 m3/s và mực nước ở trạm Liên Hoa Đường lên mức báo động, thì lũ sẽ được đánh số.
Ngoài lũ lụt, Trung Quốc cũng phải đối mặt với việc mực nước biển tăng nhanh. Theo Bộ Môi trường Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ 1980 đến 2019, tốc độ tăng mực nước biển trung bình dọc theo bờ biển Trung Quốc là 3,4 mm mỗi năm, nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Năm 2019, mực nước biển dọc bờ biển Trung Quốc đã cao hơn 72 mm so với bình thường.
Bên canh yếu tố thời tiết, quá trình phát triển kinh tế và đô thị, đặc biệt là công tác thu hồi đất từ hồ và vùng đất ngập nước cũng đã làm tăng thiệt hại do thiên tai. Vũ Hán, từng nổi tiếng với rất nhiều hồ xinh đẹp và lãng mạn. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Vũ Hán có gần 200 hồ nhưng hiện nay, hầu hết đã bị lấp để lấy quỹ đất xây dựng và giờ đây, thành phố phải đối mặt với một trong những vấn đề ngập lụt nghiêm trọng nhất của đô thị.
Tiến sỹ Yu Jianfeng, người sáng lập Trung tâm Văn hóa Công cộng Bảo vệ Môi trường sông hồ, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Trùng Khánh cho biết, các hoạt động của con người trong thời gian qua đã phá hủy sông, hồ, rừng và bất kỳ hình thức bảo vệ tự nhiên nào. Ông Yu phát biểu: "Chúng tôi mong muốn thiết lập các nguyên tắc phát triển đô thị, hồi sinh các hồ chứa tự nhiên cho Vũ Hán cũng như các thành phố khác ở Trung Quốc để giảm thiệt hại do lũ lụt. Một mình Trung tâm không thể thực hiện mục tiêu này, chúng tôi cần sự chung tay góp sức của cộng đồng".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn