Theo ước tính, khoảng 1 triệu người ở Nam Sudan đã phải di dời hoặc bị cô lập trong nhiều tháng bởi trận lũ lụt lớn, đặc biệt mùa mưa dữ dội là dấu hiệu của biến đổi khí hậu. Nước bắt đầu dâng cao vào tháng 6, cuốn trôi mùa màng, đầm lầy, đường sá. Điều này khiến nạn đói và bệnh tật càng trầm trọng hơn ở quốc gia đang vật lộn để phục hồi sau nội chiến này. Giờ đây nạn đói đang là một mối đe dọa không nhỏ của người dân Nam Sudan.
Khu vực Old Fangak ở bang Jonglei bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Nhiều bậc cha mẹ chia sẻ về việc họ phải đi bộ hàng giờ trong mực nước dâng ngang ngực để tìm thức ăn và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khi bệnh sốt rét và tiêu chảy lan rộng.
Regina Nyakol Piny là mẹ của 9 người con. Cô hiện đang sống tại một trường tiểu học ở làng Wangchot sau khi nhà bị nước lũ cuốn trôi.
Cô cho biết: "Chúng tôi không có thức ăn, chúng tôi chỉ dựa vào các cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc hoặc cố gắng kiếm củi bán lấy tiền". Cô nói tiếp: "Các con tôi bị ốm vì lũ lụt, tuy nhiên lại không có dịch vụ y tế ở nơi này".
Nyankun Dhoal, một trong những người cháu của Regina Nyakol Piny, cũng đã sinh đứa con thứ bảy trong tình trạng ngập lụt vào tháng 11.
"Tôi cảm thấy rất mệt mỏi, cơ thể tôi thực sự yếu ớt", cô nói. Một bên ngực của Dhoal bị sưng, còn đứa con nhỏ thì bị phát ban. Dhoal mong muốn có thức ăn cho con và có các vật liệu nhựa để cô và gia đình có thể sống nơi khô ráo.
Nyaduoth Kun, một bà mẹ 5 con cho biết lũ lụt đã phá hủy mùa màng của gia đình khiến cuộc sống của họ đã trở nên chật vật trong nhiều tháng, khi mọi người phải bán gia súc quý để mua thực phẩm.
Kun cho biết gia đình cô chỉ ăn hai bữa một ngày, người lớn thường phải để bụng đói đi ngủ. Sau đó, Kun bắt đầu đi hái hoa súng và quả dại để làm thức ăn.
Kun nói rằng cô biết rất ít về đại dịch COVID-19, thứ đang tàn phá các khu vực khác trên thế giới và lo lắng rằng nó đang lây lan mà Nam Sudan, một nơi có nguồn lực kém lại không phát hiện. Cô nói: "Có rất nhiều căn bệnh đang tồn tại, vì vậy chúng tôi không biết được nó có phải là COVID-19 hay không".
Chưa kể, Kun cũng lo sợ rằng con đê ngăn nước tạm bợ xung quanh nhà cô có thể bị sập bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Trưởng làng Wangchot, ông James Diang đã ra quyết định gửi những đứa trẻ bị ảnh hưởng đến trung tâm thị trấn sau khi có một số trẻ em chết đuối trong trận lũ lụt.
Ông cho biết hiện gia súc đang chết dần và những người sống sót đã được di tản đến các khu vực khô ráo. Những cư dân còn lại phải ăn lá cây và cá để tồn tại. Ngoài ra, sốt và đau khớp cũng lan rộng trong vùng.
"Khi không có xuồng chở người trong thời điểm nước dâng cao, nhiều đứa trẻ chết trong vòng tay chúng tôi bởi vì bất lực", ông nói.
Ông cùng tất cả người dân đều hy vọng nền hòa bình nơi đây có thể giữ vững. Ngoài ra mọi người còn mong muốn hệ thống đê điều được cải thiện để cộng đồng có đủ đất khô trồng trọt.
Người dân Nam Sudan đã đặt niềm tin vào Tổng thống Salva Kiir và cựu lãnh đạo Riek Machar sẽ lãnh đạo trong giai đoạn chuyển tiếp này, "nhưng bây giờ họ đang làm chúng tôi thất vọng", Kueth Gach Monydhot, Phó giám đốc chính phủ phụ trách khu vực cho biết. Monydhot nói: "Chúng tôi không còn hy vọng, chúng tôi mất niềm tin vào họ".
Tình hình ở quận Fangak vẫn còn nhiều biến động, với gần như tất cả hơn 60 ngôi làng đều bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và "không có phản hồi từ chính phủ," ông nói.
Tại phòng khám ở Old Fangak do tổ chức từ thiện y tế Bác sĩ không biên giới điều hành, Nyalual Chol cho biết con đê cô xây dựng để chống lại nước lũ đã bị sập, và ngôi nhà của cô cũng nhanh chóng bị sập.
Chol ở nhà một mình với bốn đứa con. Cũng như bao gia đình khác, chồng Chol đi bộ đội và phải đi làm nhiệm vụ ở nơi khác.
Sau một giờ di chuyển, cô đến phòng khám bằng ca nô, tìm kiếm sự giúp đỡ cho đứa con bị bệnh. Tại đây, cô cũng nhận được một phần ăn.
Điều phối viên của dự án Bác sĩ không biên giới ở Old Fangak, Dorothy I. Esonwune nhớ lại cảnh đoàn người đi di tản dưới những tán cây mà không có chiếu, chăn hay màn.
Trong khi đó, các phòng khám di động của tổ chức từ thiện đã bị đình chỉ vì đại dịch COVID-19, gây khó khăn trong nỗ lực tiếp cận những người bệnh mắc kẹt do lũ lụt.
"Nước tiếp tục dâng cao và các con đê tiếp tục bị vỡ và vẫn có người phải di dời, nhưng họ lại không có các nhu yếu phẩm cần thiết", cô nói và cho biết thêm một số người thường bị nhồi nhét vào một nơi trú ẩn.
Giờ đây, cộng đồng quốc tế đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về khả năng xảy ra nạn đói ở một khu vực khác cũng bị lũ lụt của bang Jonglei.
Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan, Meshak Malo, đã kêu gọi các bên ký hiệp định hòa bình về việc ngừng bạo lực và đảm bảo tiếp cận nhân đạo an toàn để ngăn chặn tình hình tồi tệ trở thành thảm họa trên diện rộng.
Chủ tịch Cục Thống kê Quốc gia Isaiah Chol Aruai cho biết, báo cáo mới về khả năng xảy ra nạn đói là một điều gây ngạc nhiên và là một tín hiệu đối với chính phủ.
Ông nói: "Không thể nào mà chính phủ lại bỏ qua hoặc xem nhẹ tình trạng khẩn cấp khi nó thực sự là trường hợp khẩn cấp cần giải quyết cả".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn