"Hoa mắt" với các chợ Tết trực tuyến
Dạo quanh một vòng trên hội chợ Tết được tổ chức online, chị Nguyễn Thanh Mai (Q.Tây Hồ, Hà Nội) "hoa mắt" vì đa dạng mặt hàng, sản phẩm của các nhà cung cấp đến từ mọi vùng miền khắp cả nước. Chị Mai cho biết, dù được tổ chức trực tuyến nhưng số lượng gian hàng, chủng loại hàng hóa đa dạng không kém gì so với những hội chợ trực tiếp mà chị từng tham dự. Từ các món ẩm thực truyền thống, đặc sản vùng miền, nông sản, thủy hải sản, rau trái đến hàng gia dụng, thời trang...
Ở góc độ người tiêu dùng, người tham gia hội chợ có thể tiết kiệm được thời gian và những khoản phụ phí như tiền gửi xe, tiền xăng... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, đây là một lựa chọn tốt với người tiêu dùng. Họ có thể ngồi ở bất cứ đâu để mua sắm, thời gian linh hoạt và có thể tham quan các gian hàng của những nhà cung cấp khác nhau, tập trung, so sánh nhiều chủng loại hàng hóa với mức giá và khuyến mãi áp dụng tại hội chợ.
Đặc biệt, với những người kỹ tính trong việc mua sắm, dạo hội chợ online có ưu điểm là được tự do tìm hiểu các mặt hàng hàng, đọc kỹ nhãn mác, thông tin sản phẩm. Ở hội chợ online cũng không giới hạn thời gian. Bạn có thể đứng ở một gian hàng bao lâu tùy thích, nên bạn sẽ thoải mái cân nhắc, lựa chọn cho vào giỏ hay bỏ ra... mà không lo người bán khó chịu. Hàng hóa sau khi chọn vào giỏ sẽ được ship tới tận nơi.
Để kích cầu cuối năm, tạo không khí Tết như tại chợ Tết truyền thống, các trang thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Sendo... đã đầu tư giao diện tràn ngập sắc đỏ với nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, bắt mắt... Bên cạnh sự đa dạng phong phú vốn có của các mặt hàng thời trang, gia dụng, bánh mứt..., nhiều sàn đã chia các sản phẩm theo chủ đề cụ thể như: Giỏ quà Tết, trang trí Tết, thực phẩm Tết... kèm theo các ưu đãi như: miễn phí vận chuyển, tặng voucher giảm giá... Các hội nhóm bán hàng trên mạng xã hội cũng tổ chức hội chợ Tết online dành cho thành viên giới thiệu và chào bán sản phẩm của mình.
Với sự phát triển của công nghệ, dịp Tết năm nay còn có sự xuất hiện của các triển lãm, hội chợ được tổ chức trên nền tảng thực tế ảo Virtual. Bà Nguyễn Thị Hảo (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, Hội LHPN TP Hà Nội) cho biết: Đồng hành kết nối cung cầu, hỗ trợ phụ nữ và người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm tết với giá bình ổn, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đã phối hợp để tổ chức chương trình hội chợ Xuân. Bên cạnh hình thức trực tiếp, hội chợ còn được tổ chức trực tuyến trên nền tảng thực tế ảo từ ngày 21/1 đến 22/2/2022.
Hội chợ triển lãm thực tế ảo còn được biết đến với tên gọi Virtural Exhibition là hình thức triển lãm dựa vào nền tảng trực tuyến, cho phép tham quan mua sắm như các hội chợ bình thường chỉ bằng việc ngồi nhà và sử dụng các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, máy tính kết nối internet... Các đơn vị tham quan hội chợ thực tế ảo có gian hàng 360 độ để trưng bày sản phẩm, dễ dàng tương tác với khách hàng, có video và hình ảnh giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, lễ tân ảo... Đây là hình thức kết nối giao thương hiệu quả trong tình hình dịch bệnh, giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng thích ứng với chuyển đổi số.
Tiện lợi nhưng vẫn còn hạn chế
Tham gia đăng ký gian hàng bán nông sản tại một hội chợ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, chị Hồ Thị Lê (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Hội chợ online cũng được tổ chức vào một khoảng thời gian cố định như những hội chợ hay triển lãm thông thường khác. Điểm tiện lợi là người bán không cần phải vận chuyển hàng hóa, thuê nhân lực bán hàng... như tại các hội chợ truyền thống.
Tuy nhiên, hạn chế của gian hàng online là không thể trực tiếp giới thiệu, giao lưu, tư vấn cho khách hàng. Do đó, phải đầu tư chi phí xây dựng gian hàng ảo trên chợ online thật hấp dẫn, bắt mắt, sắp xếp đội ngũ tư vấn online trực thường xuyên để trả lời khách hàng. Có như vậy mới thu hút được khách hàng mua sắm.
Mặt khác, các gian hàng tham gia hội chợ đều phải mất chi phí như trích % doanh thu, hay nộp phí tham gia từ vài trăm ngàn đến vài triệu hoặc hơn chục triệu đồng (tùy theo quy mô của từng hội chợ) nên các đơn vị tham gia cần tính toán, cân nhắc để việc bán hàng đạt được hiệu quả.
Ở góc độ người tiêu dùng, bên cạnh những tiện ích, mua sắm trực tuyến cũng tiềm ẩn những rủi ro như chất lượng, tính an toàn, sản phẩm không rõ nguồn gốc... Vì vậy, khi mua sắm, bạn nên lựa chọn những đơn vị, nhà tổ chức, doanh nghiệp, người bán hàng uy tín; cần phải tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn sản phẩm và tham khảo các bình luận (comment)... trước khi quyết định chọn món đồ cho vào giỏ hàng online.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn