Hiện nay, tình trạng lừa đảo bằng hình thức kêu gọi từ thiện diễn ra ngày càng nhiều khiến cho số lượng nạn nhân ngày một tăng lên. Đối tượng lợi dụng lòng tốt của những nhà hảo tâm để trục lợi về phía mình.
* Mới đây, 2 đối tượng là Vy Bảo Châu (sinh năm 1998, trú tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) và Huỳnh Phương Thủy (sinh năm 2004, trú tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) đã bị bắt giữ vì hành vi lừa đảo kể trên.
Ngày 14/5, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, bị can và ra lệnh tạm giam đối với Vy Bảo Châu. Lực lượng Công an cho biết, Châu đã lập nhiều tài khoản giả mạo, để hình đại diện là những tổ chức từ thiện uy tín.
Bằng những tài khoản này, đối tượng đăng tải các bài viết có nội dung về những người có số phận bất hạnh, sau đó đính kèm số tài khoản chính thống của các tổ chức từ thiện. Tiếp theo, đối tượng vào phần bình luận, nói là số tài khoản trên bài bị lỗi và để số tài khoản của mình để người truy cập ủng hộ. Vì lòng trắc ẩn và thiếu cảnh giác, nhiều người đã không ngần ngại chuyển tiền vào số tài khoản của Châu.
Với thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ 6/2023 tới 4/5/2024 (thời điểm bị bắt giữ), Vy Bảo Châu đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 400 triệu đồng từ gần 700 người, chủ yếu nạn nhân là những nhà hảo tâm trên khắp địa bàn cả nước.
* Cũng vào ngày 15/5 vừa qua, Phòng an ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết đã bàn giao đối tượng Huỳnh Phương Thủy cho Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Được biết, Thủy cũng có hành vi lừa đảo bằng hình thức kêu gọi hỗ trợ từ thiện. Đối tượng lập ra các tài khoản Facebook với nhiều cái tên khác nhau như “Thu Nguyễn”, “Thúy Phương”, “Loan Nguyễn”, “Ngọc Trâm”, “Thu Thuy”, sau đó đăng tải các bài viết kêu gọi ủng hộ trong các hội nhóm sở hữu nhiều thành viên.
Sau khi thành công chiếm đoạt tài sản, Thủy rút tiền và tiêu xài vào mục đích các nhân. Trong quá trình điều tra, Cơ quan Công an nhận thấy tài khoản ngân hàng của Thủy có nhiều giao dịch quyên góp ủng hộ với tổng số tiền lên tới 140 triệu đồng.
Cảnh giác với hình thức giả mạo quý đầu tư PYN LITE để lừa đảo
Hiện nay, trên mạng xã hội lần lượt xuất hiện nhiều fanpage, nhóm chat giả danh các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư nhằm dụ dỗ các nạn nhân tham gia gửi tiền.
Theo lực lượng Công an, một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh quỹ PYN Lite để kêu gọi người dân đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản. Ban đầu, dưới danh nghĩa là các chuyên gia, cố vấn cấp cao của PYN Lite, kẻ lừa đảo tiếp cận và giới thiệu với nạn nhân về các khóa học đầu tư. Sau đó, các nạn nhân được add vào các nhóm chat Zalo, Telegram với số thành viên lên tới hàng chục nghìn người.
Các đối tượng lừa đảo sử dụng phương pháp hết sức tinh vi như tạo ra ứng dụng giả mạo Pyn Smart, tạo ra website theo đường dẫn pynelitevn.pro với giao diện y nguyên từ website gốc, lập các tài khoản ngân hàng dưới danh nghĩa các công ty PYN Lite giả mạo để tạo dựng độ uy tín nhằm lợi dụng sự bất cẩn của người dân.
Ông Petri Deryng (Nhà sáng lập quỹ PYN Elite) cho biết: “Quỹ PYN Elite thu hút vốn đầu tư 100% từ các nhà đầu tư Phần Lan vào tài khoản ngân hàng tại Phần Lan. Các tài khoản ngân hàng tại Việt Nam được đặt dưới tên của quỹ đều là lừa đảo. Hãy lưu ý không chuyển tiền vào các tài khoản lừa đảo này tại Việt Nam. PYN Elite chỉ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam và không thực hiện bất kỳ hình thức kinh doanh hay tiếp thị nào ở Việt Nam. Tất cả các group chat và website bằng tiếng Việt lấy tên của quỹ đều là giả mạo".
Giả mạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để lừa đảo
Ngày 13/5, đại diện ACV cho biết gần đây trên các nền tảng xã hội thường xuyên xuất hiện các bài đăng, fanpage mạo danh ACV với mục đích chiếm đoạt tài sản, trục lợi từ dự án sân bay Long Thành.
Theo đó, ACV nhận được nhiều thông tin, phản ánh về các bài đăng trên nền tảng Facebook với nội dung như: “Kêu gọi góp vốn đầu tư”, “Đóng góp tiền với cơ hội trúng các gói thầu”,... Đính kèm là những văn bản giả mạo chữ ký Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV nhằm gia tăng mức độ uy tín, khiến cho việc dụ dỗ nạn nhân trở nên dễ dàng hơn.
Trước hành vi lừa đảo kể trên, đại diện ACV cho biết : “Chúng tôi đã có văn bản gửi Cục An ninh Kinh tế, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an tỉnh Đồng Nai. Sáng 13/5, chúng tôi vừa cung cấp thêm các thông tin cho phía cơ quan công an. Phía Công an tỉnh Đồng Nai thông báo đang tích cực vào cuộc điều tra, làm rõ những hành vi giả mạo này”.
Phía ACV cũng khẳng định Tổng công ty hiện tại không có bất kỳ chủ trương, chính sách nào về việc huy động vốn đầu tư. Đại diện ACV cũng khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước bất kỳ sự tiếp cận nào có liên quan tới hành vi kêu gọi đầu tư vào các dự án nói chung và dự án sân bay Long Thành nói riêng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn