Theo chia sẻ từ đại diện Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian vừa qua các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Các đối tượng lừa đảo đã tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn. Mục tiêu của các nhóm lừa đảo trực tuyến hiện đang có xu hướng dịch chuyển, tập trung mạnh vào nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động thu nhập thấp.
Nguy hiểm hơn, các nhóm lừa đảo trực tuyến hiện nay không giới hạn tại Việt Nam mà phần lớn đã hình thành các tổ chức lừa đảo ở các nước lân cận như Campuchia, Lào, Philippines. Những nhóm này cũng tập hợp được nhiều người Việt tham gia, tập trung thành các cơ sở lừa đảo ở các nước.
Trên thực tế, người dùng chưa được cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo trên mạng. Vì vậy, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Ngoài việc xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật, cần phải thúc đẩy, tuyên truyền những thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người càng tốt.
Để tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến nhằm bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức phát động chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến," triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023.
Chiến dịch này hướng tới nâng cao nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến của mọi người, bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng.
Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, hướng tới nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, các hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo đồng thời cung cấp bộ "Cẩm nang Kiến thức Phòng tránh để Bảo vệ Bản thân và Gia đình trên Không gian mạng".
Trong "Cẩm nang Kiến thức Phòng tránh để Bảo vệ Bản thân và Gia đình trên Không gian mạng", người dân được hướng dẫn cụ thể về các dấu hiệu nhận biết cùng cách phòng tránh của 24 hình thức lừa đảo phổ biến tại Việt Nam như: "Combo du lịch giá rẻ"; Cuộc gọi video Deepfake; "Tuyển cộng tác viên online"; Tung tin giả về cuộc gọi mất tiền; Dịch vụ lấy lại Facebook; Công an thông báo về phạm tội … và các kiểu lừa đảo đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng, rao bán hàng giả và hàng nhái qua sàn thương mại điện tử, phát tán tin nhắn giả mạo thương hiệu...
Đại diện Cục An toàn Thông tin bày tỏ hy vọng "Cẩm nang Kiến thức Phòng tránh để Bảo vệ Bản thân và Gia đình trên Không gian mạng" sẽ được các cơ quan, tổ chức lan tỏa rộng rãi trong thời gian tới. Qua đó, huy động sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức vào việc phòng chống lừa đảo trực tuyến và bảo vệ an toàn thông tin cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng, giúp người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến trong thời đại số hóa.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.460 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước; gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc, gỡ 54 trang quảng cáo, mua bán hóa đơn. Google đã gỡ 5.390 video vi phạm trên YouTube, chặn hai kênh YouTube phản động. TikTok đã chặn, gỡ bỏ hơn 400 đường link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, trong đó có 145 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.
(Số liệu từ Cục An toàn Thông tin)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn