Thời gian gần đây, trên khắp đường phố ở thủ đô Beirut, Li Băng tràn ngập những băng rôn với hình ảnh một phụ nữ trong chiếc váy cưới rách rưới và đẫm máu cùng dòng chú thích bằng tiếng Ả Rập: “Một chiếc váy trắng không thể che đậy tội ác hiếp dâm”.
Vào mùa xuân vừa qua, nhóm đấu tranh vì nữ quyền ABAAD của Li Băng đã treo những chiếc váy tương tự như trong tấm băng rôn trên dọc bờ biển nổi tiếng của thành phố.
Những chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng trên là một phần của nỗ lực mới ở Lebanon nói riêng và trên khắp khu vực Trung Đông nói chung nhằm bãi bỏ điều luật lâu đời cho phép kẻ hiếp dâm cưới nạn nhân để tránh bị truy tố hình sự, đồng thời để gia đình nạn nhân tránh tai tiếng.
Nhớ lại, vào năm 2014, Ma-rốc đã bãi bỏ điều luật phi lý trên nhưng quyết định này chỉ được đưa ra sau cái chết thương tâm của một cô gái 16 tuổi xấu số. Nạn nhân tên là Amina Filali đã tự sát bằng thuốc chuột vào năm 2012 sau khi bị buộc phải kết hôn với người đàn ông đã cưỡng hiếp mình.
Tương tự như Filali, cô Basma Mohamad Latifa cũng đã bị ép đến đường cùng bởi chính điều luật vô lý này. Gia đình Latifa cho biết cô đã bị một người đàn ông gấp đôi tuổi mình hãm hiếp 3 năm trước tại một ngôi làng ở miền nam Lebanon.
Vì không muốn mọi việc bị làm to, nghe theo lời người dân địa phương, gia đình cô đã thỏa thuận để cô lấy kẻ hiếp dâm mình.
Anh của Latifa cho biết: “Em gái tôi không thích thỏa thuận này nhưng tôi cam đoan với nó, đó chỉ là tạm thời”.
Anh cũng cho biết thêm trong 3 năm kết hôn, Latifa thường xuyên bị chồng đánh: “Ông ta đã đánh em tôi liên tục. Tôi từng nhìn thấy những vết sẹo trên mặt khi em ghé thăm tôi”.
Cuối cùng, Latifa đã quyết định kết thúc cuộc hôn nhân địa ngục. Thế nhưng khi tưởng như đã được giải thoát thì chồng cô đã lên tiếng đe dọa. Vào tháng 6, ngay sau bữa ăn Ramadan lúc nửa đêm, cô đã bị hắn bắn chết tại nhà.
Wafa Bani Mustafa, một thành viên của Nghị viện Jordan lập luận rằng nếu không huỷ bỏ điều luật trên thì tình trạng tội phạm hiếp dâm không bị trừng phạt sẽ vẫn tiếp tục gia tăng và lợi ích của gia đình sẽ vẫn được đặt trước quyền lợi công lý của nạn nhân.
Trên thực tế thì điểm đen trong những cuộc hôn nhân vì hiếp dâm không chỉ tồn tại duy nhất ở thế giới Ả Rập.
Theo một cuộc điều tra của một tổ chức về quyền phụ nữ tên Equality Now tại 82 quốc gia, thì Philippines, dù là một quốc gia chủ yếu là Công giáo, nhưng vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ hôn nhân kiểu trên khá cao.
Thậm chí, các cuộc hôn nhân này còn tồn tại cả ở những quốc gia phát triển. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho đến năm 2006, Uruguay mới bãi bỏ điều luật cho phép kẻ hiếp dâm kết hôn với nạn nhân. Và tại Pháp, cũng từng tồn tại điều luật trên và đã bị bãi bỏ vào năm 1994. Vào năm ngoái, nghị viện của Bahrain cũng mới bãi bỏ điều luật này.
Thực tế, vẫn tồn tại khá nhiều lý do khiến việc bãi bỏ luật cho kẻ hiếp dâm kết hôn với nạn nhân khó thành hiện thực.
Những người ủng hộ nữ quyền cho biết không phải lúc nào, các nạn nhân bị hãm hiếp cũng tin tưởng các cơ quan thực thi pháp luật sẽ giải quyết vụ kiện của họ một cách nghiêm túc. Chính vì vậy họ đã chọn cách thỏa hiệp với kẻ thủ ác.
Còn trong trường hợp như nạn nhân Latifa kể trên, thì anh của nạn nhân cho biết bản thân gia đình anh cũng chỉ là những người tị nạn, không có người bảo trợ chính trị vì vậy “những lời của chúng tôi sẽ không có nhiều tác động”.