Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành sớm trình Chính phủ các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai và các thông tư liên quan. Việc sớm hoàn thiện được các nghị định này là cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2024, thay vì mốc ngày 1/1/2025.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ đang xây dựng dự thảo của 6 nghị định, 5 thông tư. Để Luật Đất đai sớm có hiệu thực, Bộ Tài chính xây dựng 2 nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng 1 nghị định, Bộ Nội vụ xây dựng 1 thông tư.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất phương án phát hành trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nghiên cứu thêm phương án hỗ trợ về thủ tục cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.
Chính phủ đã ban hành và xúc tiến thực hiện "Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đến 2030". Hiện tại, số lượng căn hộ thực hiện được theo thống kê mới khoảng 10%. Một số doanh nghiệp đã phản ánh lí do chính dẫn đến việc chậm triển khai là do thủ tục để thực hiện nhà ở xã hội tốn quá nhiều thời gian.
Luật Đất đai mới khi được thông qua đã nhận được rất nhiều phản hồi tốt, tích cực. Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam thì luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản mới hướng đến việc hoàn thiện pháp lý về đất đai, giải quyết những tiêu cực còn tồn tại của thị trường bất động sản. Các điểm mới có chỗ chặt chẽ hơn, có chỗ thông thoáng hơn nhưng đều bắt nguồn từ thực tế, giải quyết các vấn đề bất cập.
Các luật mới đều nhận được sự ủng hộ từ các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia và người dân. Chính bởi vậy, việc luật có thể được thông qua sớm cũng sẽ nhận được sự đồng tình mạnh mẽ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn