Báo cáo tại Phiên họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng cho biết: Dự thảo Tờ trình Dự án Luật mới nhất cho thấy, Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của DN.
Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật DN không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho DN trong việc tuân thủ, trong đó có một số thủ tục hành chính để đăng ký kinh doanh.
Ông Vũ Đại Thắng cho biết: Trong thực tiễn thực hiện Luật Doanh nghiệp, một số thủ tục hành chính không còn cần thiết, như thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp (Điều 12); thủ tục thông báo mẫu dấu (Điều 44); thủ tục gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi DN đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới (bãi bỏ Khoản 1 Điều 34, Khoản 4 Điều 46)... Việc cắt giảm một số thủ tục nói trên giúp doanh nghiệp tiết kiệm được ngày công, giảm số ngày chưa hoạt động mà vẫn phải chịu khoản chi phí về vốn, về lãi suất.
Ngoài việc đề xuất bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử theo hướng quy định hồ sơ điện tử có giá trị như hồ sơ giấy; người thành lập DN nộp hồ sơ điện tử không phải nộp thêm hồ sơ giấy như hiện nay (sửa đổi Điều 27).
Theo quy định hiện hành về đăng ký doanh nghiệp, việc thực hiện đăng ký kinh doanh thông thường là 200 ngàn đồng/doanh nghiệp; nếu đăng ký qua mạng được miễn 100% phí đăng ký. Đơn cử, năm 2018, cả nước có hơn 130.000 doanh nghiệp thành lập mới mà đều thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng thì con số tiết kiệm rất đáng kể. Tính đến ngày 20/6/2019, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng của cả nước bình quân là trên 62%.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng góp phần minh bạch hóa hoạt động đăng ký kinh doanh, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người. Toàn bộ quy trình đăng ký doanh nghiệp cũng như tình trạng hồ sơ doanh nghiệp đều được công khai hóa trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Ngân hàng Thế giới ghi nhận, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam tăng từ hạng 125 năm 2014 lên hạng 104 trên 190 quốc gia năm 2019; thời gian thực hiện giảm từ 34 ngày xuống còn 17 ngày.
Những đề xuất cải cách nói trên được kỳ vọng sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn, khung khổ pháp lý thông thoáng cho việc thành lập và phát triển doanh nghiệp ở nước ta, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời cắt giảm chi phí và thời gian khởi sự kinh doanh.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, dự thảo Luật lần này được sửa đổi mang tính cách mạng, có thể được coi là Luật Doanh nghiệp thế hệ mới. Trong đó có hai nội dung mang tính đột phá là việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật và đưa ra khuôn khổ pháp lý điều chỉnh để nâng cao tổ chức, quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế.
Dự thảo Luật Doang nghiệp (sửa đổi) gồm 11 chương và 219 điều, nhiều hơn 1 chương và 6 điều so với luật hiện hành. Dự thảo Luật sửa đổi 60 điều, bãi bỏ 02 điều, 05 khoản, 02 điểm, bổ sung 01 chương về hộ kinh doanh. Các nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu của dự thảo luật gồm đăng kí doanh nghiệp, quản trị công ty trách nhiệm hữu quan và công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước, hộ kinh doanh; tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. |