Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, bạo lực khiến trẻ em bạo lực hơn trong xã hội. Chúng cũng là nguyên nhân khiến trẻ em bị thiệt mạng, bị tổn thương, học hành sa sút, dẫn đến việc các em tự tử hay các hành vi chống đối xã hội khác…
Đi đầu trong việc thiết lập hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành bởi người thân là Thụy Điển. Nước này đã ban hành luật cấm bạo hành trẻ em trong gia đình từ năm 1966. Năm 2019, Quốc hội Pháp thông qua một luật cấm triệt để mọi trận đòn vào mông hay những hình thức bạo lực khác nhằm mục đích giáo dục trẻ em.
Ở Hàn Quốc, tội vi phạm Đạo luật Phúc lợi trẻ em và hành vi bạo hành trẻ em với mức án phạt 10 tháng tù giam, 2 năm quản chế và 40 giờ học về phòng chống lạm dụng trẻ em. Trên thế giới hiện nay có khoảng 59 quốc gia đã ban hành bộ luật tương tự.
Riêng pháp luật Mỹ giải quyết việc đánh đập trẻ em rất triệt để. Việc đánh đập trẻ em, dù chỉ một cái tát ở Mỹ đều là phạm pháp. Dù người đánh là ai thì cũng là người phạm tội. Một khi đã có tội thì họ sẽ bị bắt vào tù ngay lập tức và phải ra tòa để nhận quyết định khởi tố. Ở bang Alabama, tội tra tấn, cố ý bạo hành, đánh đập tàn nhẫn, ngược đãi trẻ em dưới 18 tuổi sẽ bị phạt từ 1 đến 10 năm tù. Còn ở bang Florida, cố ý tra tấn, trừng phạt một cách nguy hiểm hoặc cố ý bạo hành một đứa trẻ, gây tổn thương cơ thể, tàn tật vĩnh viễn hoặc biến dạng vĩnh viễn sẽ bị phạt tối đa là 30 năm tù giam tại nhà tù tiểu bang.
Bạo hành trẻ em ở bang Michigan sẽ bị phạt từ 6 đến 18 tháng, còn cố ý gây tử vong mức án là từ 8 đến 12 năm tù giam. Bạo hành hoặc bỏ rơi trẻ em dưới 16 tuổi sẽ phải ngồi tù từ 5 đến 10 năm. Xử lý bạo hành một đứa trẻ dưới 13 tuổi ở Washington là phạt tù tối đa 5 năm. Bên cạnh đó, tiểu bang Texas đối với tội bạo hành trẻ em sẽ xử lý rất nghiêm khắc, mức án có thể lên đến 99 năm tù tùy vào thể trạng cũng như tâm lý của nạn nhân. Tại bang Ohio, có 5 khung hình phạt dành cho tội phạm liên quan đến bạo hành trẻ em: Cấp độ 1, phạt từ 3 đến 10 năm; Cấp độ 2, phạt từ 2 đến 8 năm; Cấp độ 3 là từ 2 đến 5 năm; Cấp độ 4 phạt từ 6 đến 18 tháng; Cấp độ 5 là tù giam từ 2 đến 12 tháng.
Mặc dù hầu hết các nước đều có qui định pháp luật về bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo hành nhưng thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ trẻ em bị bạo hành gây chấn động dư luận. Trong số này, nhiều vụ bạo hành trẻ em do cha dượng hoặc mẹ kế gây ra như cái chết thương tâm của cậu bé 6 tuổi Arthur Labinjo-Hughes bởi sự hành hạ tàn nhẫn của mẹ kế và cha ruột tại Anh đầu tháng 12/2021; vụ Michael Andrew Keesecker (46 tuổi) bị toà án Virginia (Mỹ) kết án 252 năm tù và bị phạt 75.000 USD với nhiều tội danh hành hạ hai con riêng của vợ vào tháng 6/2019; vụ cha dượng Yudai Funato (34 tuổi) đối với con riêng của vợ khiến cô bé 5 tuổi Yua Funato tử vong trong đau đớn năm 2018 tại Nhật Bản; vụ người cha dượng Lý Kiến Quốc đánh đập đến tử vong rồi giấu xác trên núi xảy ra năm 2006 tại Trung Quốc…
Những kẻ bạo hành trẻ em đều đã phải nhận sự trừng phạt của pháp luật một cách thích đáng. Tuy nhiên, những hậu quả mà họ gây ra với con trẻ thì không bao giờ có thể khắc phục được.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn