Sáng 24/9, tiếp tục Phiên họp thứ 37, tại Nhà Quốc hội, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
Luật Quảng cáo hiện hành mới đề cập đến quy định quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, thiếu các quy định về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức khác, chưa có quy định về quảng cáo trên mạng xã hội...
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thay mặt Ban soạn thảo nêu sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012.
Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012.
Cụ thể gồm: Hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; hoàn thiện quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Về phạm vi điều chỉnh, kế thừa các quy định luật hiện hành, dự thảo Luật quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển…
Về yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 19a), có 2 loại ý kiến. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất tán thành với Ban soạn thảo bổ sung quy định về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là giao Chính phủ quy định vì đây là những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, mang tính kỹ thuật, chuyên ngành có tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người và có thể biến động theo từng thời kỳ.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, đối với yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đã có tính ổn định, rõ ràng, đã được kiểm nghiệm trong thực tế, cần đưa trực tiếp vào dự thảo Luật sau khi đã rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với các luật có liên quan.
Cũng theo Báo cáo thẩm tra, một số nội dung cần tiếp tục được làm rõ như: Khoản 8 Điều 2 chỉ điều chỉnh hoạt động “trên mạng xã hội” là chưa đầy đủ, chưa tính toán hết các nền tảng, dạng thức truyền thông đang có và có thể phát sinh trong tương lai.
Đối với phương thức thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội, quy định này chưa cụ thể các hoạt động trên mạng xã hội để làm căn cứ quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo cũng như thuận lợi cho việc áp dụng luật…
Đa số đại biểu tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa.
Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo.
Về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 19a), qua nghiên cứu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, có khoản quy định lại nội dung đã được quy định tại luật chuyên ngành song lại có khoản chỉ viện dẫn luật chuyên ngành dẫn đến không nhất quán.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, đối với những nội dung yêu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cụ thể đã được quy định tại luật chuyên ngành thì không nên quy định lặp lại ở trong luật mà chỉ nên viện dẫn.
Đối với những nội dung mà đã được thực hiện ổn định, thống nhất rồi nhưng chưa được quy định trong các luật chuyên ngành thì có thể quy định trong luật này hoặc có thể giao Chính phủ quy định.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành luật, báo cáo đánh giá tác động và các tài liệu có liên quan theo ý kiến góp ý của cơ quan chủ trì thẩm tra và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát các lĩnh vực, phương tiện, phương thức, cách thức để nhận diện một cách bao quát hơn hoạt động quảng cáo cũng như dự báo những phát sinh có thể xảy ra trong thực tiễn.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung trách nhiệm của các bộ có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Công an và các bộ khác vào dự thảo nghị quyết để bảo đảm các yêu cầu về an ninh mạng, an ninh trật tự xã hội…/.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn