Luật sư, bác sĩ nói gì về "cam kết trách nhiệm" nếu không tiêm vaccine?

15:41 | 15/09/2021;
UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) ra văn bản yêu cầu người dân nếu từ chối tiêm vaccine phòng Covid-19 thì phải ký cam kết "chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Văn bản của UBND phường Hoàng Liệt nêu rõ: "Đối với những trường hợp trong độ tuổi nhưng từ chối tiêm chủng, yêu cầu người dân ký cam kết với UBND phường về việc không thực hiện tiêm chủng, nêu rõ lý do và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng".

Ngay sau khi ban hành, văn bản đã nhận nhiều phản ứng trái chiều từ trong nhân dân và dư luận.

Không ký cam kết nếu vi phạm cũng phải 'chịu trách nhiệm trước pháp luật'

Chia sẻ quan điểm về vụ việc này, Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way tại Hà Nội, đã dẫn quy định tại Điều 29.1, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 về việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc: 

"Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh". Đối với những cá nhân sinh sống tại vùng có dịch thì phải sử dụng vaccine bắt buộc.

Việc yêu cầu người dân cam kết ‘chịu trách nhiệm trước pháp luật’ khi không tiêm là không cần thiết, không hợp lý - Ảnh 1.

Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way

Tuy nhiên, tại Điều 2.1, Thông tư số 38/2017/TT-BYT quy định về các bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine bắt buộc gồm có bệnh bạch hầu, bệnh bại liệt, bệnh ho gà, bệnh rubella, bệnh sởi, bệnh tả, bệnh viêm não Nhật Bản B, bệnh dại... Trong đó không có bệnh truyền nhiễm Covid-19.

"Đây là điều dễ hiểu, vì Thông tư 38/2017/TT-BYT ban hành từ năm 2017, dịch Covid-19 đến cuối năm 2019 mới xuất hiện và Bộ Y tế cũng chưa cập nhật, bổ sung bệnh dịch Covid-19 thuộc trường hợp phải sử dụng vaccine bắt buộc", Luật sư Hồi lý giải.

Bởi vậy khi dịch bệnh Covid-19 chưa được Bộ Y tế đưa vào danh mục bệnh truyền bắt buộc phải sử dụng vaccine thì chưa có cơ sở pháp lý để xử phạt người dân từ chối tiêm vaccine. Thời điểm hiện tại việc tiêm vaccine mới dừng lại ở việc khuyến khích người dân tiêm để bảo vệ chính mình, người thân và xã hội.

Việc yêu cầu người dân cam kết ‘chịu trách nhiệm trước pháp luật’ khi không tiêm là không cần thiết, không hợp lý - Ảnh 2.

Triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân tại phường Hoàng Liệt. Ảnh: Báo Tiền Phong

"Tôi cho rằng yêu cầu này là không cần thiết, không hợp lý. Bởi lẽ trường hợp cá nhân vi phạm quy định pháp luật thì dù có ký cam kết hay không thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", Luật sư Hồi bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm trên, Bác sỹ Chuyên khoa II Lê Hữu Nghị, Phó Giám đốc Bệnh viện Xây dựng, cho rằng, chỉ khi nào cơ quan có thẩm quyển của nhà nước ra quy định yêu cầu bắt buộc người có đủ điều kiện như trên mà người đó từ chối tiêm vaccine thì mới có quyền ra quyết định xử phạt.

"Cần vận động người dân tiêm vaccine phòng chống Covid-19, đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng", Bác sĩ Nghị cho hay.

Yêu cầu cam kết ‘chịu trách nhiệm trước pháp luật’ khi không tiêm phòng Covid-19 là không cần thiết, không hợp lý - Ảnh 3.

Bác sỹ Chuyên khoa II Lê Hữu Nghị, Phó Giám đốc Bệnh viện Xây dựng

"Văn bản độc nhất vô nhị, nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật"

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), bản chất của việc cam kết là hành vi pháp lý đơn phương của cá nhân, tự nguyện đưa ra cam kết, đảm bảo của mình đối với một vấn đề nào đó. Việc cam kết là phải tự nguyện, không thể sử dụng biện pháp hành chính hoặc ép buộc người khác phải cam kết.

Bởi vậy, nếu ủy ban nhân dân cấp phường mà đưa ra văn bản bắt buộc người dân phải cam kết thì văn bản này không phù hợp với quy định pháp luật và không có cơ sở để buộc người dân phải cam kết đảm bảo an toàn khi không tiêm ngừa vaccine Covid-19.

Yêu cầu cam kết ‘chịu trách nhiệm trước pháp luật’ khi không tiêm phòng Covid-19 là không cần thiết, không hợp lý - Ảnh 4.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

"Ngược lại, nếu người dân ở phường này yêu cầu ủy ban nhân dân phường cam kết đảm bảo an toàn cho họ khi tiêm ngừa vaccine Covid-19 thì liệu ủy ban phường này có dám cam kết không? Có cam kết được với họ là sau khi tiêm thì sẽ được làm việc, lao động, sản xuất kinh doanh trở lại hay không, hay vẫn ở nhà như những người chưa tiêm?", Luật sư Cường đặt câu hỏi.

Trước đó, trả lời báo chí về lý do ký văn bản trên, ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, cho biết, văn bản trên là để phường nắm được lý do tại sao người dân lại không tiêm vaccine ngừa Covid-19. Về việc 'chịu trách nhiệm trước pháp luật', "Việc làm lây lan dịch bệnh thì ai cũng phải chịu trách nhiệm, chúng tôi quy định như vậy thì có vấn đề gì đâu", ông Hải lý giải.

Còn theo bà Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định cơ quan chức năng có quyền yêu cầu bắt buộc người trong diện cần tiêm chủng đi tiêm chủng, đặc biệt ở vùng dịch. Tuy nhiên trong thực hiện, cơ quan chức năng chỉ khuyến khích người dân đi tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe, chưa xử phạt người từ chối tiêm chủng.

Đến hết ngày 14/9, Hà Nội đã tiêm được 4.961.708 mũi tiêm, sử dụng 4.530.612 liều vắc xin trên tổng 5.359.676 liều vắc xin được cấp, đạt tiến độ 84,5% trên tổng số vắc xin được cấp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn