Như báo PNVN đã phản ánh, sự việc cháu Lê Thị Thanh Thảo, sinh năm 2001, bị mẹ kế là bà Nguyễn Thị Mai đánh đập năm 2015 với giám định thương tích là 22% nhưng đã không được Công an (CA) huyện Lộc Ninh, Bình Phước, khởi tố vụ án đang gây xôn xao dư luận. Sau rất nhiều đơn từ khiếu nại tới các cơ quan chức năng tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, gia đình cháu Lê Thị Thanh Thảo mới đây, ngày 2/8/2018, đã nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại từ Cơ quan CSĐT CA huyện Lộc Ninh, với nội dung giữ nguyên kết quả không khởi tố vụ án hình sự. Quyết định này được Đại tá Văn Quang Tiến, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Ninh, ký ngày 30/3/2018 nhưng tới tận ngày 2/8/2018 gia đình người khiếu nại mới nhận được. Bì thư được đóng dấu bưu điện gửi ngày 2/8/2018. Như vậy, tận 5 tháng sau, văn bản này mới được gửi đi.
Trao đổi với phóng viên báo PNVN, LS Lê Ngọc Luân, Đoàn LS TP HCM, Hãng luật GOLD KEY, đại diện quyền lợi hợp pháp cho cháu Lê Thị Thanh Thảo đã đưa ra những phân tích pháp lý xoay quanh vụ án này.
- Xin chào LS Lê Ngọc Luân, với các tư liệu đã có, ông đánh giá thế nào về vụ việc này?
Đây là vụ việc có tính chất hết sức nghiêm trọng vì nạn nhân là trẻ em, cháu bé bị đánh đập dã man lúc 14 tuổi. Người đánh lại là mẹ kế nên khiến dư luận xã hội bức xúc. Theo như mô tả của cháu và các tài liệu cho thấy, cháu bị đánh bằng hung khí nguy hiểm là gậy gỗ và kìm bằng sắt vào đầu và chân khiến đầu chảy máu, chân bị gãy, thương tích 22% là cực kỳ nguy hiểm. Ngoài ra, vụ việc này kéo dài từ năm 2015 đến nay chính quyền mới có kết quả là quá chậm, khiến nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần khó có thể xoá mờ trong ký ức đối với đứa trẻ. Lê Thị Thanh Thảo cho biết đến giờ vẫn còn lo sợ khi nghĩ tới bà mẹ kế, vì hiện bà vẫn chưa dừng hành vi chửi bới, nhục mạ người thân trong gia đình của cháu.
- Lý do không khởi tố vụ án của Cơ quan CSĐT huyện Lộc Ninh, theo LS Lê Ngọc Luân có những điều gì không thỏa đáng?
Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước lấy 2 lý do để không khởi tố vụ án: Thứ nhất, "Chỉ có lời khai của Lê Thị Thanh Thảo xác định bị bà Nguyễn Thị Mai đánh, vụ việc xảy ra không có người chứng kiến, không có tài liệu chứng cứ khác buộc tội bà Mai”; thứ hai, “Căn cứ vào kết luận giám định pháp y bổ sung của Trung tâm giám định y khoa – pháp y tỉnh Bình Phước thì thương tích ở đùi và thương tích ở cổ chân phải (gãy sương Sên bàn chân phải) của cháu Thảo thì hung khí là cây gỗ cháu Thảo cung cấp không thể gây ra những thương tích trên và bà Mai cũng không thừa nhận đánh cháu Thảo nên không có cơ sở xác định bà Mai gây thương tích ở đùi và cổ chân cháu Thảo”.
Theo tôi, việc không khởi tố vụ án này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hành vi của người đánh cháu Thảo đã có đủ 03 căn cứ để khởi tố: Dùng hung khí nguy hiểm, Gây thương tích với trẻ em và, có tính chất côn đồ. Điều này được minh chứng như sau:
Thứ nhất, ngày 20/6/2016, CA huyện Lộc Ninh có văn bản số 178/CV-CAH (ĐTTH) thông báo kết quả xác minh đơn tố cáo của công dân, tại đoạn thứ 06 đã nói rõ “chị Nguyễn Thị Mai (người đánh cháu Thảo) khai nhận toàn bộ hành vi như đã nêu trên”. Hành vi đó là "bà Mai đã thừa nhận dùng kiềm bấm dây tiêu bằng sắt" đánh cháu Thảo và, đoạn 03 của văn bản 178/CV-CAH thể hiện rõ "... chị Mai dùng kiềm bấm dây tiêu đánh nhiều cái vào người Thảo gây thương tích”.
Xin lưu ý rằng, kiềm bấm dây tiêu làm bằng vật liệu sắt nên đây là "hung khí nguy hiểm" quy định tại Nghị Quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Thứ hai, thời điểm cháu Thảo bị đánh chỉ 14 tuổi nên rơi vào trường hợp cố ý gây thương tích đối với "trẻ em".
Thứ ba, hành vi dùng kiềm sắt đánh cháu Thảo của bà Mai rõ ràng thể hiện tính chất "côn đồ", các tài liệu, chứng cứ cũng cho thấy điều đó.
Theo quy định, đối với Tội cố ý gây thương tích, nếu người nào có một trong các hành vi "dùng hung khí nguy hiểm" "gây thương tích với trẻ em" và "côn đồ" thì cho dù chỉ 0,1% thì phải khởi tố vụ án để xử lý. Trong khi cháu bé bị gãy chân, thái dương bị thương tích, kết luận giám định pháp y là 22%.
Đặc biệt, tại Thông báo không khởi tố vụ án hình sự và Văn bản 178/CV-CAH do Công an huyện Lộc Ninh ban hành có chi tiết "bà Mai không thừa nhận hành vi xô ngã và dùng cây đánh gây thương tích cho cháu Thảo" và Công an huyện Lộc Ninh cũng cho rằng, cây gậy không thể gây ra thương tích gãy chân cháu Thảo là phi logic và bất hợp lý bởi: i) Cây gậy làm bằng gỗ, dài 1m đánh thẳng vào chân của một đứa trẻ 14 tuổi (xương non) thì việc gãy chân là hoàn toàn xảy ra. Tôi không hiểu lý do vì sao Công an huyện Lộc Ninh lại có thể lập luận như thế; ii) Giấy chứng nhận thương tích xác nhận “Sưng bầm tím vùng sau cẳng chân (T) và mắt cá (V), như vậy, từ thời điểm xảy ra sự việc đến khi xác nhận thương tích, khoảng thời gian cách nhau rất ngắn (từ ngày 19/12/2015 đến ngày 21/12/2015)". Điều này cho thấy lúc cháu Thảo bị đánh là ngày 19/12/2015 còn ngày 21/12/2015 đã có kết luận từ cơ quan giám định. Câu hỏi đặt ra, nếu bà Mai không đánh thì ai đã đánh cháu Thảo gãy chân, CA huyện Lộc Ninh chưa làm rõ và lấy lý do bà Mai không thừa nhận đánh bé Thảo để làm căn cứ không khởi tố vụ án cho thấy nghiệp vụ điều tra có vấn đề.
Còn rất nhiều thông tin khác để chứng minh việc CA huyện Lộc Ninh không khởi tố vụ án là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Hãng Luật GOLD KEY sẽ sớm có văn bản kiến nghị pháp lý gửi đến các tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định.
- Việc cần làm theo đúng trình tự pháp luật của các cơ quan có chức năng tại huyện Lộc Ninh, Bình Phước hiện nay là gì, thưa Luật sư?
Theo thông tin tôi được biết, mẹ ruột cháu Thảo đã gửi Đơn khiếu nại về Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của CQĐT Công an huyện Lộc Ninh đến Viện kiểm sát nhân dân huyện Lộc Ninh đề nghị Cơ quan này xem xét, giải quyết về Quyết định không khởi tố vụ án, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của cháu Thảo. Qua hồ sơ cháu Thảo và gia đình cung cấp, trong sự việc này, như đã phân tích, việc bà Mai dùng hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ và người bị hại là cháu Thảo (lúc bị đánh mới 14 tuổi) thì căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 104 BLHS 1999, nay là Khoản 1, Điều 134 BLHS 2015 có đầy đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Mai về hành vi cố ý gây thương tích, tổn hại sức khỏe người khác mà không phụ thuộc vào tỷ lệ thương tích (từ đủ 11% đến 30%).
Ngoài ra, VKS là cơ quan giữ quyền công tố và có quyền xem xét khởi tố vụ án. Vì vậy, theo tôi, VKSND huyện Lộc Ninh cần ban hành Quyết định hủy bỏ Quyết định không khởi tố vụ án số 10/QĐ ngày 22/12/2018 của CQĐT Công an huyện Lộc Ninh, đồng thời, ban hành ngay Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Mai về hành vi “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác”.