Luật sư lưu ý một số điểm dành cho sinh viên mới lập nghiệp

10:47 | 27/06/2023;
Hiện nay số lượng sinh viên ra trường hàng năm rất lớn nhưng không phải sinh viên nào ra trường cũng có việc làm ngay.

Luật sư Đào Thúy Hoàn, Giám đốc Hãng Luật & Sở hữu trí tuệ Encolaws chia sẻ, thời gian học ở trường cũng là một khoảng thời gian quý giá, một quãng đời của một con người, nhưng không phải sinh viên nào cũng biết tận dụng khoảng thời gian quý giá này để trau dồi kiến thức và trí tuệ.

Ngoài ra, nếu tích lũy lại, mỗi gia đình sẽ phải chi trả rất nhiều cho mỗi người con học đại học. Việc học hành tốn kém là thế mà nhiều sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, chỉ làm những công việc giản đơn như lao động chân tay, không sử dụng những kiến thức đã học trong cả một quãng đời ở trường đại học. Điều đó quả thật là lãng phí.

Luật sư lưu ý một số điểm dành cho sinh viên mới lập nghiệp - Ảnh 1.

"Sinh viên biết tận dụng thời gian để trau dồi kiến thức và trí tuệ sẽ có nhiều cơ hội thành công trong sự nghiệp"- Luật sư Đào Thúy Hoàn chia sẻ

"Ở một góc nhìn khác, các doanh nghiệp hiện nay vẫn đang rất cần nhân sự. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần các vị trí khác nhau đảm đương những nhiệm vụ nhất định thuộc các lĩnh vực mà các trường đại học có đào tạo như luật, kế toán, marketing, hành chính, bán hàng…Tuy nhiên, việc tuyển dụng vẫn diễn ra thường xuyên nhưng thực tế các sinh viên có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng thì chưa nhiều" - Luật sư Đào Thúy Hoàn nói.

Doanh nghiệp khó khăn trong việc tuyển dụng, phát triển và giữ chân nhân sự. Người làm công thì nôn nóng muốn được nhận nhiều hơn, nhảy việc, vấp váp, không có việc làm hoặc công việc bấp bênh là những vấn đề vẫn xảy ra thường xuyên trong xã hội.

Như vậy có thể thấy, người cần việc rất nhiều và việc cần người cũng không ít. Tuy nhiên để kết hợp được hai yếu tố này quả là không đơn giản và hiện nay đang có một sự vênh nhau rất lớn giữa hai lực lượng này.

Theo Luật sư Đào Thúy Hoàn, Giám đốc Hãng Luật & Sở hữu trí tuệ Encolaws, lý do có sự vênh này có thể rất nhiều. Ở góc nhìn của doanh nghiệp, các bạn sinh viên còn rơi vào một số tình trạng sau:

- Nhiều sinh viên không xác định được tâm thế của người mới ra trường làm là tâm thế của người cần học hỏi, phụng sự, cần cống hiến để học cách làm việc, tích lũy kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm vì bắt đầu từ số 0. 

- Với người mới ra trường, có được công việc đã là tốt rồi nhưng các bạn nhiều khi chưa biết quý trọng cơ hội để nắm bắt mà luôn có tâm lý so đo tính toán thiệt hơn, tự cho mình giỏi nên chưa biết lắng nghe, thiếu nỗ lực làm việc nên hiệu quả chưa cao. 

- Do sự đóng góp còn ít ỏi nên thu nhập chưa cao mà nhu cầu luôn tăng nên nhiều bạn nôn nóng, muốn thành công nhanh, muốn giàu nhanh. Việc đi đường tắt, dẫn đến tình trạng nhảy việc hoặc vay tiền kinh doanh khi chưa có kinh nghiệm và kiến thức, từ đó dẫn đến thất bại. 

- Một số sinh viên không dành thời gian để "văn ôn võ luyện" nên khi ra trường còn thiếu kiến thức và kỹ năng để làm việc, dẫn đến việc công việc chưa thành công và con đường sự nghiệp không ít bấp bênh, trắc trở. 

- Nhiều bạn còn thiếu tính kiên nhẫn, không rèn giũa tư duy và những đức tính cần thiết nên dễ tự ái khi được chỉ bảo, góp ý, phê bình, dễ bỏ cuộc nên cũng khó thành công.

Luật sư lưu ý một số điểm dành cho sinh viên mới lập nghiệp - Ảnh 2.

Nguồn lực lớn nhất của các bạn trẻ khi khởi nghiệp chính là ý tưởng mới, là chất xám

Để tránh những tình trạng trên, để khi ra trường có sẵn các doanh nghiệp chào đón, thậm chí mình chọn việc chứ không phải việc chọn mình, các bạn hoàn toàn có thể chủ động ngay từ khi ra trường bằng cách rèn luyện như sau:

- Thiết lập mục tiêu rõ ràng của mình trong trường, mục tiêu từ 1-5 năm sau khi tốt nghiệp và mục tiêu cả cuộc đời như phải xuất sắc một lĩnh vực nào đó, khát vọng thành công ra sao… 

- Lên kế hoạch thực hiện từng mục tiêu ngắn hạn bằng cách lên lịch hoạt động tới từng tuần, từng ngày một. 

- Rèn luyện các thói quen để thành công như: Luyện tập thể thao, đọc sách và học hỏi phát triển bản thân, chọn cách sống lành mạnh và tận dụng thời gian để trau dồi kiến thức, kỹ năng chuẩn bị cho hành trang vào đời. 

- Học hỏi và rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho công việc như giao tiếp, lắng nghe, thuyết trình, chia sẻ, công nghệ thông tin, tra cứu thông tin trên mạng, tiếp nhận và xử lý thông tin, làm việc chuyên nghiệp… 

- Xác định tâm thế phụng sự, thái độ chuẩn mực, tinh thần cầu thị, và tư duy tích cực, học bài học về sự kiên nhẫn và lòng biết ơn hàng ngày.

"Với những tố chất này, chắc chắn các bạn sinh viên ra trường sẽ được các doanh nghiệp sẵn sàng chào đón chứ không phải ở vị thế đi xin việc, càng không phải nhờ bố mẹ phải bỏ tiền ra để xin vào bất kỳ cơ quan tổ chức nào. Các bạn sinh viên, cuộc đời đầy những niềm tin và hy vọng phía trước, hãy tỉnh thức, nỗ lực học tập và rèn luyện, hãy xác định đi trên đôi chân của chính mình, là họa sĩ của bức tranh cuộc đời mình. Bức tranh cuộc đời có rực rỡ sắc màu hay u ám tăm tối hoàn toàn là do lựa chọn của các bạn từ ngày hôm nay" - Luật sư Đào Thúy Hoàn đúc rút.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn