Vụ án Hiếp dâm người dưới 16 tuổi do Cơ quan CSĐT Công an Q.Bình Tân, TPHCM, xử lý hiện đang tạm đình chỉ điều tra. Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM, Giám đốc công ty Luật MTV Dân Luật, đã có cuộc bàn luận với phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam xoay quanh các tình tiết của vụ án này.
PV: Luật sư đánh giá thế nào về vụ án Hiếp dâm người dưới 16 tuổi ở Q.Bình Tân?
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Nếu đây là một vụ án xảy ra thật thì có tính chất rất nghiêm trọng cho xã hội, vì nó xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người. Bởi lẽ, nạn nhân là người chưa thành niên, trẻ dưới 13 tuổi - độ tuổi chưa phát triển đầy đủ và chưa hoàn thiện về thể chất lẫn nhận thức. Trẻ em là đối tượng được cả xã hội chung tay bảo vệ, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi tác động tiêu cực đến trẻ em, trong đó đối với hành vi bạo lực và xâm hại tình dục sẽ bị trừng trị một cách nghiêm khắc.
Trong những năm gần đây, vấn nạn trẻ em bị xâm hại ngày một gia tăng, một phần do sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ và mạng xã hội, trẻ em lại được tiếp cận vấn đề này sớm mà lại thiếu đi sự kiểm soát của người lớn. Vụ án xảy ra ở Q.Bình Tân cũng không nằm ngoài yếu tố đó và cũng là một hồi chuông cảnh báo đến các bậc phụ huynh trong việc quan tâm, chăm sóc con cái ở lứa tuổi vị thành niên. Đối tượng đã tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội facebook, từ đó nắm rõ những quy luật sinh hoạt của gia đình cháu để rồi dùng những thủ đoạn dụ dỗ, dùng vũ lực để đạt được ý muốn.
PV: Việc nghi phạm đã thú nhận sự việc với gia đình nạn nhân và gia đình nghi phạm đã sang gặp để thỏa thuận đền bù, có ý nghĩa thế nào trong vụ án này, theo luật sư?
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Theo thông tin từ phía nạn nhân, việc nghi can đã thú nhận toàn bộ hành vi và người nhà sang để thương lượng bồi thường tổn thất về sức khoẻ và tinh thần cho nạn nhân, là một tình tiết hết sức quan trọng của vụ án. Tình tiết này có ý nghĩa là nguồn chứng cứ để Cơ quan CSĐT xem xét dấu hiệu về hành vi của nghi can, từ đó làm rõ hơn về động cơ và mục đích của người phạm tội.
Dân gian có nói: Không có lửa làm sao có khói. Nếu không có thực hiện hành vi xâm hại thì sao lại nhận tội, sao người nhà lại đến thoả thuận bồi thường? Theo thông tin người nhà nạn nhân cho biết, lúc người nhà nghi can đến thương lượng bồi thường có rất nhiều người chứng kiến sự việc, như: luật sư của nạn nhân, cha, dì, cậu của nạn nhân. Bên nghi phạm đã đặt vấn đề muốn cưới nạn nhân, bồi thường 50 triệu và yêu cầu người nhà nạn nhân rút đơn tố giác.
Nếu vụ án được phục hồi điều tra lại thì Cơ quan CSĐT cũng nên tiến hành mời những nhân chứng nêu trên để xác minh làm rõ nhằm củng cố thêm chứng cứ.
PV: Trong các vụ án xâm hại trẻ em, do nạn nhân lo sợ và cũng không hiểu hết việc lưu giữ chứng cớ nên đã không trình báo công an ngay sau khi sự việc xảy ra. Vậy để kết tội được nghi phạm, theo luật sư, thì cần các chứng cớ khác cụ thể như thế nào?
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi tội của họ được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nguyên tắc này khẳng định chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền phán quyết, xác định một người có tội bằng bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Chừng nào chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì người bị buộc tội vẫn là người vô tội.
Để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội, trên cơ sở đó truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được người bị buộc tội là người thực hiện hành vi phạm tội.
Trước hết, theo quy định của pháp luật thì việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của Cơ quan tiến hành tố tụng, ở đây là Cơ quan CSĐT, Viện KSND, Tòa án.
Từ một số vụ án trẻ em bị xâm hại, sau khi bị xâm hại tình dục thời gian dài, người nhà nạn nhân mới tố giác hành vi của người phạm tội. Do đó, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh hành vi phạm tội. Đa số các vụ án xâm hại tình dục trẻ em thường không thu được chứng cứ vật chất trực tiếp (lông, tóc, tế bào… trên cơ thể nạn nhân), không có nhân chứng trực tiếp. Do đó cần phải tiến hành nhận dạng, thực nghiệm điều tra nơi xảy ra hành vi phạm tội, truy vết qua các thiết bị giám sát, nội dung chat trên điện thoại, máy tính, định vị, lấy lời khai các nhân chứng gián tiếp.
Thực tế, qua quá trình tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bị hại trong nhiều vụ án xâm hại tình dục, tôi nhận thấy mặc dù không có chứng cứ vật chất trực tiếp hay nhân chứng nhưng căn cứ vào lời khai của bị hại, lời khai thừa nhận hành vi của người phạm tội, thì người phạm tội vẫn bị xử lý trách nhiệm hình sự nếu lời khai đó phù hợp với lời khai của bị hại và phù hợp các tình tiết của vụ án, phù hợp với tình tiết khác khi khám nghiệm hiện trường, phù hợp với các thời điểm, thời gian, không gian, địa điểm và vị trí thực hiện hành vi phạm tội.
PV: Quay trở lại vụ án Hiếp dâm người dưới 16 tuổi tại Q. Bình Tân, theo luật sư, cần bàn luận dưới góc độ pháp lý ra sao khi Cơ quan CSĐT quận này lại cho rằng "chưa xác định được nghi phạm" trong khi đã mời các bên liên quan tới làm việc?
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án.
Như vậy, trong quá trình điều tra vụ án này, mặc dù nghi can đã được Cơ quan CSĐT mời lên làm việc lấy lời khai, hỏi cung, đối chất và thực nghiệm hiện trường nhưng Cơ quan này vẫn ra thông báo tạm đình chỉ điều tra vì "chưa xác định được bị can". Việc chưa xác định được nghi can là chưa có đủ căn cứ để xác định người đó đã thực hiện hành vi phạm tội. Bởi lẽ, không ai có thể bị coi là bị can nếu không có quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền. Trong vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi xảy ra ở Q.Bình Tân hiện chỉ mới có Quyết định khởi tố vụ án chứ chưa có Quyết định khởi tố bị can.
PV: Ngoài việc đã gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng, hiện nay gia đình nạn nhân trong vụ án này nên cần phải có thêm các bước hành xử thế nào nữa, thưa luật sư?
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Người nhà nạn nhân đã gửi đơn khiếu nại về thông báo tạm đình chỉ điều tra vụ án không đúng pháp luật. Trước hết, người nhà nạn nhân cần chờ đợi kết quả giải quyết khiếu nại từ cơ quan chức năng có thẩm quyền. Trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền đồng ý các nội dung khiếu nại thì người nhà có thể an tâm chờ kết quả giải quyết vụ án.
Nếu trong trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại cấp dưới (lần 1) thì người nhà nạn nhân vẫn có quyền khiếu nại lần 2 lên cấp trên, cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2. Đồng thời người nhà nạn nhân có thể gửi đơn thư đến Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, TW Hội LHPN Việt Nam để hỗ trợ, can thiệp giúp đỡ.
*Như báo Phụ nữ Việt Nam đã đưa tin, trong Đơn cầu cứu khẩn cấp gửi về báo, chị P.T.T, ngụ tại Q. Tân Phú, TPHCM cho biết, vào tháng 5/2021, con gái chị là cháu P.Q.A, sinh ngày 30/9/2008 đã quen biết Đặng Đình Đ., sinh năm 1996 qua mạng xã hội facebook. Cả hai thường xuyên nhắn tin qua lại và hẹn hò đi ăn uống được 3 lần. Vào lần thứ 4, ngày 19/5/2021, Đ. cũng nhắn tin hẹn cháu P.Q.A đi ăn nhưng lại lừa chở cháu vào khách sạn Hương Thơm, đường số 14E khu phố 3, P. Bình Hưng Hoà B, Q. Bình Tân, TPHCM. Tại đây, Đ. đã thực hiện hành vi xâm hại tình dục cháu P.Q.A 2 lần, mặc cho cháu chống cự, kêu la.
"Cháu P.Q.A bị Đ. nhốt chặt trong phòng 104 tại khách sạn Hương Thơm bằng cách khóa cửa phòng và thu giữ chìa khoá nên cháu không thể thoát ra ngoài được. Sau khi sự việc xảy ra, cháu đã kể lại cho tôi nghe toàn bộ sự việc", chị P.T.T trình bày.
Ngày 4/6/2021, chị P.T.T đã dẫn cháu P.Q.A tới trình báo và tố giác với cơ quan công an P. Bình Hưng Hoà B, Q. Bình Tân, TPHCM. Sau đó, cơ quan này đã mời cháu P.Q.A và đương sự Đặng Đình Đ. lên làm việc.
Chị P.T.T cho biết: "Đặng Đình Đ. đã thừa nhận với gia đình tôi toàn bộ hành vi xâm hại cháu P.Q.A. Thời điểm bị xâm hại, cháu P.Q.A còn dưới 13 tuổi".
Tuy nhiên, theo chị P.T.T, từ ngày khởi tố vụ án 7/10/2021 đến nay, Cơ quan CSĐT Công an Q. Bình Tân vẫn không khởi tố bị can để điều tra xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật. Việc chỉ điểm, thực nghiệm hiện trường đều đúng với thời gian, địa điểm xảy ra. Người thân của gia đình nghi can cũng đã đến gặp gia đình chị P.T.T để xin lỗi và đề nghị bồi thường.
Ngày 7/6//2022, chị P.T.T nhận được thông báo về việc tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự số 2090/QĐ-ĐTTH ngày 07/6/2022 do trung tá Phạm Thanh Việt, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, ký.
Ngay sau đó, chị P.T.T đã gửi đơn khiếu nại Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Q. Bình Tân, TPHCM tới các cơ quan chức năng vì cho rằng hành vi ra thông báo tạm đình chỉ điều tra vụ án là không đúng pháp luật.
Báo Phụ nữ Việt Nam tiếp tục theo dõi và phản ánh các diễn tiến tiếp theo của vụ án này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn