Ở đâu có trẻ bị bạo hành và xâm hại, các luật sư sẽ có mặt ở đó
Ngoài 60 tuổi, trên cương vị chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, Luật sư Ngọc Nữ cùng các cộng sự hiện vẫn bền bỉ tiếp nhận và bào chữa, bảo vệ quyền lợi miễn phí cho trẻ em bị xâm hại.
Với mỗi vụ án bà đều tự bỏ tiền túi, không ngại gõ cửa cơ quan chức năng và rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm nhằm đưa vụ việc ra ánh sáng, bắt kẻ phạm tội phải trả giá. Cũng từ lâu, Luật sư Ngọc Nữ và cộng sự ở Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM nổi tiếng với khẩu hiệu “Chỉ cần ở đâu có trẻ bị bạo hành và xâm hại, các luật sư sẽ có mặt ở đó”. Hễ có cuộc gọi đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM báo có trẻ em bị xâm hại, dù đó ở tỉnh xa, bà Ngọc Nữ và các cộng sự đều sẵn sàng mau chóng lên đường.
Không chỉ bảo vệ quyền lợi của trẻ em đơn thuần, luật sư Ngọc Nữ và các cộng sự của bà còn là “đầu não” trong các vụ việc phức tạp bảo vệ trẻ em bị xâm hại, hiếp dâm, lạm dụng...
Trường hợp bé Đ. (Vĩnh Long) từng bị cha và ông nội hiếp dâm khi mới 11 tuổi, cô bé gần như đã bị cướp mất tuổi thơ và đầy mặc cảm, học hành sa sút. Bà Ngọc Nữ đã trợ giúp và theo dõi cô bé cho đến khi em được đưa vào một mái ấm dành cho những trẻ em gái bị xâm hại.
Mới đây, bà đến thăm, cô bé chạy ra ôm bà vui vẻ kể: “Con đã quên hết chuyện cũ rồi. Bây giờ con thích đi học thôi”. Bà Ngọc Nữ thở phào. Sau những ngày lặn lội với các cuộc chiến pháp lý, bà Ngọc Nữ chỉ mong nhận lại nụ cười và sự thanh thản phần nào từ nạn nhân và gia đình nạn nhân.
Đến nay, bà Ngọc Nữ cùng các cộng sự cũng đã thiết lập được mạng lưới trợ giúp hiệu quả từ sự phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức có chức năng hỗ trợ trẻ em để các em được đến học tập, sinh hoạt trong những môi trường phù hợp và được hỗ trợ về tâm lý.
Bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại, vai trò của người phụ nữ trong gia đình là quan trọng nhất
“Có vụ án, kẻ hiếp dâm bé gái 13 tuổi, khiến cháu bé phải tự tử, tưởng đã chìm vào quên lãng, đã được chúng tôi điều tra, thu thập chứng cứ xác thực để đưa ra vụ án ánh sáng. Gã đàn ông đồi bại phải nhận tội, lãnh án. Tuy nhiên, khi phiên toà vừa kết thúc, tôi bị vợ của bị cáo lao đến hành hung. Bà ấy không tin là chồng mình đã làm ra những chuyện như vậy nên phản ứng rất dữ dội. Rất may, tôi không bị đánh trúng người nhưng cũng khiến tôi có một phen hoảng sợ. Lần đó, tôi phải trốn ra cửa sau của toà án mới về được. Trên đường về, tôi vẫn còn sợ, không dám dừng lại nghỉ chân. Mãi lúc đến TP.Cần Thơ, cách toà án đó chừng mấy trăm km, tôi mới dám dừng xe để vào quán cơm ăn lúc giữa buổi chiều” – luật sư Ngọc Nữ nhớ lại.
Chứng kiến không ít lần vợ chị các đối tượng trong nhiều vụ án đe doạ, hành hung, chồng bà Ngọc Nữ cũng luôn lo lắng không yên mỗi khi vợ ra khỏi nhà đi làm. “Có hôm ổng thấy các nhà báo đến quay phim, phỏng vấn tôi tại gia đình, chồng tôi bảo: Thôi chết, thế này thì họ biết nhà mình rồi, họ sẽ tìm được nhà mình thôi…” – Luật sư Nữ hóm hỉnh kể về nỗi lo lắng của chồng bà.
Bà Ngọc Nữ nở nụ cười đôn hậu khẳng định: “Không chỉ có chồng con tôi, mà tôi cũng có lúc lo lắng mỗi khi ra đường, nhưng đã là nghề mình chọn, thì vẫn phải dấn thân và dám chấp nhận thôi”.
“Đôi lúc tôi cũng thấy sợ khi bị đe doạ tính mạng, nhưng khi bảo vệ được quyền lợi cho các em bé, tôi vui lắm, lòng rất thanh thản, nhẹ nhõm. Ngược lại, những vụ tôi không thể giúp vì không đủ chứng cứ… tôi đau lòng lắm, về nhà cứ trăn trở suốt và buồn. Nhiều khi nhìn các bé nạn nhân, tôi khóc hồi nào không biết. Bởi, khi nghĩ đến các bé còn quá nhỏ mà phải chịu đựng nỗi đau, nỗi ám ảnh quá lớn về cả thể xác lẫn tinh thần, tôi không chịu nổi”- luật sư Ngọc Nữ nghẹn ngào.
Bà Ngọc Nữ chia sẻ: Trong vấn đề bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại, bạo hành, tôi cho rằng vai trò của người phụ nữ trong gia đình là quan trọng nhất; bởi đây là người gần gũi nhất với con trẻ, sau đó mới đến xã hội. Song, giúp người phụ nữ bảo vệ con em họ thế nào thì lại là trách nhiệm của các tổ chức, hội phụ nữ trên địa bàn.
Bảo vệ trẻ có 3 cấp độ: phòng ngừa, bảo vệ và can thiệp, trong đó phòng ngừa luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, phải nâng cao hiểu biết cho phụ nữ để biết cách phòng ngừa cho trẻ. Thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM kết hợp với hội phụ nữ các địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền. Chúng tôi xuống tận nhà trọ để tuyên truyền bằng những câu chuyện thực tế, những hậu quả có thật, thay vì lý thuyết suông.
Đó cũng là dịp để hội phụ nữ địa phương gần gũi với các gia đình, tạo cho họ niềm tin rằng nếu con em họ xảy ra chuyện gì thì sẽ có người cùng họ bảo vệ chúng. Khi sự việc không mong muốn xảy ra, người phụ nữ phải mạnh dạn tố cáo đến các cơ quan chức năng để được giúp đỡ và cũng là để kẻ xấu không có cơ hội làm hại đến những đứa trẻ khác.
Ngày 16/11 sắp tới, giải thưởng KOVA vinh danh các tấm gương tiêu biểu trên bốn lĩnh vực: Kiến tạo, Nghị lực, Sống đẹp và Triển vọng sẽ diễn ra tại TP HCM. Ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi trên con đường tìm công lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ bị xâm hại tình dục, Ban tổ chức giải thưởng quyết định trao giải thưởng Sống đẹp cho luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội LS Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM. Giải thưởng KOVA là giải thưởng uy tín được tổ chức thường niên từ năm 2002 đến nay, chủ tịch ủy ban giải thưởng là nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Giải thưởng và học bổng KOVA được trao tặng hằng năm nhằm khuyến khích các nhà khoa học có nhiều cống hiến cho cộng đồng; cổ vũ và nhân rộng các tấm gương nhân văn, cao thượng; ươm mầm tài năng trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, có đóng góp cho xã hội, cho đất nước. |