Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao đoạn video clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ mặc áo chống nắng có hành vi dùng mũ bảo hiểm liên tiếp đập vào kính chắn gió phía trước của một chiếc xe ô tô nhãn hiệu Mazda trên đường phố Hà Nội.
Hành động của người phụ nữ khiến kính chắn gió của xe ô tô bị vỡ. Theo người đăng tải đoạn video clip, chồng của người phụ nữ đó đã nói dối vợ về việc đi công tác nhưng thực chất là đi với "bồ" và bị vợ bắt quả tang trên đường.
Theo tìm hiểu, được biết, sự việc trên xảy ra tại một con phố thuộc địa phận phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Lãnh đạo Công an phường Trung Văn cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về vụ xô xát trên, đơn vị đã cử cán bộ đi xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, khi công an tới hiện trường, chiếc xe ô tô cũng như người liên quan đã rời đi trước đó.
Hiện nguyên nhân sự việc chưa được xác định chính xác từ đâu, ai đúng, ai sai nhưng khi theo dõi đoạn video clip trên, nhiều người ái ngại về việc với hành vi đập phá cửa kính xe ô tô, người phụ nữ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, bất luận với lý do gì chăng nữa thì người phụ nữ xuất hiện trong đoạn video clip cũng không nên hành động như vậy.
Theo Luật sư Giáp, nếu xét ở góc độ xã hội, đó là hành động thiếu kiềm chế, gây ảnh hưởng dấu đến hình ảnh bản thân, gây thiệt hại về tài sản. Còn ở góc độ pháp luật, hành vi đập vỡ kính ô tô mà sau đó nếu cơ quan pháp luật xác định ô tô đó là tài sản của người khác thì hậu quả pháp lý cho người có hành vi đập vỡ kính ô tô có thể sẽ phải trả giá đắt.
Luật sư Giáp cho rằng, có 2 vấn đề quan trọng cần được làm rõ. Đó là giữa chủ xe và người phụ nữ trên có thực sự có mối quan hệ vợ chồng hay không và chiếc xe được mua ở thời điểm nào.
"Nếu có cơ sở cho thấy giữa 2 người có quan hệ hôn nhân và chiếc xe được mua trong giai đoạn này, đây sẽ được coi là tài sản chung của 2 vợ chồng. Khi đó, do người phụ nữ có quyền sở hữu đối với chiếc xe nên khó có cơ sở để xử lý người này về tội Hủy hoại tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự. Trường hợp này, nếu xử lý hình sự, có thể xem xét trách nhiệm của người này về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Ngược lại, nếu 2 người không có mối quan hệ hôn nhân hoặc có quan hệ hôn nhân nhưng chiếc xe là tài sản riêng của người chồng, có cơ sở để xử lý người vợ theo Điều 178", Luật sư Giáp phân tích.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật, trong trường hợp ô tô là tài sản của người khác nên việc cố tình đập vỡ kính xe sẽ tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, người phụ nữ này có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Mức độ thiệt hại, hư hỏng tài sản chỉ giá trị thấp dưới 2 triệu đồng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/NĐ-CP. Nhưng nếu gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a,b,c,d khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015. Trong đó, mức án phạt tù cao nhất lên đến 20 năm tù khi giá trị tài sản bị hủy hoại được định giá từ 500 triệu đồng trở lên.
Đối với những người đứng quay clip, cổ vũ người phụ nữ đập phá tài sản, Luật sư Giáp cho rằng, chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm pháp lý đối với những người này. "Họ có thể không ngăn cản, thậm chí cổ vũ hành vi vi phạm nhưng chưa thể khẳng định vai trò đồng phạm của những người này trong trường hợp vụ việc được xử lý hình sự", Luật sư Giáp cho biết.
Thực tế, những vụ việc có nội dung tương tự như bắt ghen rồi tấn công "tình địch", đập phá tài sản ngày càng có xu hướng nhiều hơn. Nhất là với sự phát triển của mạng xã hội, những đoạn video clip nhanh chóng xuất hiện trên mạng và trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm. Do vậy, cách hành xử của mỗi người là yếu tố quyết định đến mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Luật sư Giáp khuyến cáo, khi gặp phải những tình huống tương tự, người trong cuộc cần hết sức kiềm chế, hiểu biết và phải suy nghĩ đến những hậu quả pháp lý có thể xảy ra.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thời gian gần đây xảy ra không ít vụ xô xát do ghen tuông. Tuy nhiên, do người trong cuộc do không kiềm chế được cảm xúc nên đã có những hành vi thái quá dẫn tới vi phạm pháp luật như đập phá tài sản, cố ý gây thương tích, chửi bới thóa mạ làm nhục người khác, gây rối trật tự công cộng…
"Theo tôi, khi gặp những sự việc tương tự, người trong cuộc thay vì thực hiện những hành vi thiếu kiểm soát cảm xúc thì nên ứng xử một cách khôn khéo, thu thập lại những chứng cứ để xử lý vấn đề một cách phù hợp, tránh rơi vào trường hợp hôn nhân đổ vỡ nhưng bản thân thì phải đối mặt thêm với trách nhiệm pháp lý do thực hiện hành vi một cách thái quá dẫn đến vi phạm pháp luật", Luật sư Đồng cho biết.
Về cách xử lý trong sự việc này, Luật sư Đồng cho rằng, bước đầu cơ quan công an sẽ xác minh để làm rõ nguyên nhân sự việc ra sao, ai là những người liên quan đến sự việc này, mối quan hệ của người thực hiện hành vi đập cửa kính xe ô tô và người trên xe ra sao, làm rõ nhận thức và hành vi của những người này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn