Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định gần 70 năm qua, nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đã lớn mạnh và phát triển không ngừng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, điện ảnh Việt Nam dù còn rất non trẻ đã góp phần đáng tự hào vào nguồn sức mạnh tổng hợp làm lên những chiến thắng của cả dân tộc và để lại những tác phẩm có giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật rất cao. Bước vào thời kỳ Đổi Mới, nền điện ảnh nước nhà đối diện với nhiều thách thức và cũng đứng trước những cơ hội chưa từng có. Bằng trách nhiệm, trí tuệ và lòng yêu nghề, các thế hệ nghệ sĩ và những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình đã và đang nỗ lực vượt qua gian khó, vượt lên chính mình để nền điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển và đạt được thành tựu rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, những người làm điện ảnh cần thẳng thắn nhìn nhận những điều còn chưa làm được, còn tồn tại, bất cập trước yêu cầu ngày càng cao, đa dạng của khán giả, của công chúng yêu điện ảnh.
Đó là nguy cơ điện ảnh bị "nghiệp dư hóa". Số lượng phim điện ảnh, phim truyền hình về đề tài chính luận còn hạn chế. Những phim về đề tài lịch sử phần nhiều còn chưa thoát được khuôn sáo.
Không ít phim mang tính giải trí còn đặt quá nặng mục tiêu thương mại. Khâu quảng bá, phát hành chưa được chú trọng đúng mức.
Lý luận phê bình điện ảnh cũng chưa có nhiều nghiên cứu mang tính mở đường.
Đội ngũ các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, trưởng thành từ thực tiễn những tháng năm khói lửa, những nhân chứng trực tiếp thời kỳ cả nước chuyển mình từ thời bao cấp bước sang thời kỳ Đổi mới đã dần cao tuổi.
Lực lượng trẻ dù được đào tạo bài bản, tăng nhanh về số lượng, rất sáng tạo và có năng lực nắm bắt, làm chủ công nghệ hiện đại, nhưng vẫn rất cần được trao truyền không chỉ là kiến thức, kinh nghiệm mà cả những ký ức, cảm hứng nghệ thuật từ các thế hệ đi trước.
Thế hệ mới này cũng rất cần được cổ vũ, động viên, được trải nghiệm thực tiễn cuộc sống hôm nay đồng thời ôn lại những năm tháng thật gian khó mà đầy hào hùng trước đây để thấy rõ hơn vinh dự và trách nhiệm kế thừa, phát triển.
Chúng ta cũng rất cần có đầu tư bài bản cho hạ tầng kỹ thuật của ngành điện ảnh, ngành văn hóa; cho đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng như nghiên cứu lý luận điện ảnh nói riêng và nghệ thuật, văn hóa nói chung…, Phó Thủ tướng nói.
Có như vậy, điện ảnh Việt Nam mới đáp ứng được mong đợi của công chúng, khán giả về những tác phẩm lớn mang tầm vóc dân tộc, thời đại, tương xứng với những thành tựu to lớn trong công cuộc Đổi mới, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ngày càng có thật nhiều tác phẩm hấp dẫn đáp ứng yêu cầu rất khác nhau, rất đa dạng của công chúng nhưng vẫn mang tính định hướng và giá trị nghệ thuật cao.
Phó Thủ tướng mong muốn, Ban chấp hành, một bộ máy lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ xứng tầm với các yêu cầu cao hơn đối với nền điện ảnh nước nhà. Từ đó, Hội có thể đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác nhằm phát huy được cao độ trách nhiệm, sức sáng tạo và tình yêu nghệ thuật của đội ngũ nghệ sĩ và những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình cả nước.
Bên cạnh đó, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào công tác đóng góp xây dựng chính sách, phản biện xã hội, nhằm tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho phát triển điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung và rộng hơn là phát triển đất nước.
Hội Điện ảnh Việt Nam cũng sẽ tiếp tục là cầu nối không thể thiếu với các hội, các tổ chức, cộng đồng điện ảnh quốc tế.
Các Bộ ngành, trực tiếp nhất là Bộ VHTT&DL cùng các cấp chính quyền địa phương quan tâm phối hợp, tạo điều kiện để Hội Điện ảnh, ngành điện ảnh hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.
Phó Thủ tướng chúc đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung, các nghệ sĩ điện ảnh và phim truyền hình nói riêng bằng tài năng, trách nhiệm và lòng yêu nghề sẽ cho ra đời thật nhiều tác phẩm hay, hấp dẫn, có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao, góp phần quan trọng phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ban chấp hành nhiệm kỳ 8 của Hội Điện ảnh Việt Nam đã xây dựng đề án nhân sự theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Đại hội các hội Văn học nghệ thuật và Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên phương án nhân sự chính thức, và phương án nhân sự thay thế sau đó đều không được thông qua.
Do đó tại kỳ đại hội này, Hội Điện ảnh Việt Nam chỉ ra mắt Ban chấp hành khóa IX gồm 15 thành viên. Ban chấp hành này sẽ có nhiệm vụ xây dựng đề án giới thiệu nhân sự chủ chốt cho Hội Điện ảnh Việt Nam. NSND Đặng Xuân Hải tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Điện ảnh trong thời gian chuyển giao
Ban chấp hành khóa IX gồm các ông bà: Mai Huyền Linh (Quyền Linh), Nguyễn Công Hậu, Đỗ Thanh Hải, Nguyễn Văn Tân, Dương Cẩm Thúy, Lê Hồng Chương, Mai Thu Huyền, Đỗ Lệnh Hồng Tú, Nguyễn Thị Thanh Loan, Nguyễn Thanh Vân, Huỳnh Văn Hùng, Bùi Thạc Chuyên, Phạm Thị Tuyết, Trịnh Lê Văn, Chu Ngọc Ẩn. (nguồn: Tuổi Trẻ)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn