Lục Vân Tiên đâu rồi

09:02 | 19/06/2016;
Một người bạn không kìm được dằn vặt kể với tôi, rằng tối đó trời mưa to, bạn ngồi taxi đi ăn cưới. Bạn thấy bên vệ đường có người nằm sõng xoài, vài người đi xe máy có vẻ hiếu kỳ dừng lại xem. Lúc đó bạn cũng muốn đưa người đó đi bệnh viện. Nhưng mà...
“Hà ơi, Lỡ người ta bị HIV? Lỡ người ta chết vì bệnh truyền nhiễm nào đó rồi lây qua mình? Lỡ người ta chưa chết lại túm lấy mình bắt đền? Rồi biết đâu chả cứu được họ, mà mình lại bị mưa ướt, về ốm thì sao?".

Bạn bứt rứt, bảo bác tài dừng lại, đặt tay lên nắm cửa, dợm mở cửa bước xuống... rồi lại ngần ngừ đóng cửa xe lại. Thôi, tốt nhất là gọi điện báo cho cơ quan chức năng. Bạn hỏi tôi một câu thật là khó: "Hà ơi, Mình làm vậy có ích kỷ không? Nhưng mình ích kỷ vậy cũng có lý do mà...”.
 
Một người bạn khác lại kể cho tôi nghe về một lần họ làm người tốt. Hôm đó bạn thấy một người ngã xe ở Nguyễn Chí Thanh, Q.5, ngay sát bệnh viện Chợ Rẫy, thế là bạn vội đưa nạn nhân tới bệnh viện. Vừa tới nơi, bạn bị bệnh viện giữ lại. Các cô y tá giục bạn đi đóng tiền ứng viện phí, rồi bác sỹ tới giao luôn cho bạn phải ngồi trực kèm ở phòng cấp cứu. Đã lỡ tới đó chả lẽ còn trốn về? Rồi chưa kể sau đó công an tới điều tra, bạn bị hỏi tùm lum, đi lên đi xuống mất mấy ngày!

Trong một lần học sơ cấp cứu, tôi nhớ thầy giáo dặn đi dặn lại, rằng đừng có hăng tiết vịt, nếu lúc xông ra bế một người bị thương nhưng không biết cách sơ cứu, có thể bạn sẽ làm nạn nhân bị nặng thêm. Trong tai nạn giao thông nếu không được học qua cách sơ cấp cứu và di chuyển người bị nạn có thể làm cho người ta từ nhẹ thành nặng, gãy xương gãy cổ luôn đấy!...
Hàng nghìn những lý do để ta nói “không” với những trường hợp đang vô cùng chờ đợi một sự giúp đỡ. Nhưng chẳng lẽ chọn cách vô cảm? Nhất là trong thời đại công nghệ thông tin, máy ảnh và máy quay phim sẵn sàng, mạng xã hội khắp nơi, bạn khó mà có thể chặc lưỡi nhủ thầm: “Thôi, có ai biết mình đâu!”. Ít ra thì bạn phải biết gọi cấp cứu 115, cảnh sát cơ động 113. Mỗi việc làm của bạn, có thể được (hoặc bị) cả thế giới biết đến, bạn sẽ được vinh danh hoặc bị chửi rủa, thậm chí bị truy tố.

Một bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM tiếc nuối kể: “Rất nhiều nạn nhân bị chết vì những vết thương nhẹ. Họ mất máu quá nhiều, hoặc não bị chết vì không đủ oxy chỉ vì cấp cứu quá muộn. Trong thời gian đó, giá như nạn nhân gặp được 1, 2 người tốt bụng, có lẽ đã khác...”.

Nhưng chúng ta rất ít được dạy cách làm người tốt. Quá nhiều lý do để sợ, để lo, để né tránh. Và vậy là cái xấu được mặc sức hoành hành. Người ta nói, cái xấu như quả cầu tuyết, càng lăn xa càng lớn lên và nguy hiểm.
 
Nhìn lại nước Nhật sau trận động đất kinh hoàng, không thấy cảnh “đục nước béo cò”, trộm cướp, hôi của. Tại họ giàu rồi hay tại pháp luật nghiêm? Tại họ sẽ được ghi nhận thành tích, hay tại văn hóa và ý thức của họ? Tại sao họ làm được?

Bạn Phương Trinh đang học PTTH ở Mỹ kể với tôi: Cuối năm trường bạn trao giải thưởng cho những học sinh suất xắc. Song song với giải thưởng cho bạn đứng đầu trường về các môn học toán, lý, văn, ngoại ngữ… còn có giải Friendliest friend, vinh danh học sinh thân thiện. Và một bạn thường xuyên giúp đỡ bạn mới đã vinh dự được hiệu trưởng trao giải này.

Các giải thưởng về đạo đức có ở tất cả các trường THPT. Trường thì gọi là giải Community Service, trường thì có Golden Heart... Những giải thưởng này rất vẻ vang, cơ hội xét tuyển vào các trường đại học rất cao, thậm chí với những trường đại học thiên về xã hội thì các giáo sư trong Ban xét tuyển còn đánh giá cao hơn những giải nhất toán, văn lừng lẫy...

Còn ở Việt Nam, thật tiếc, trong những hồ sơ dự tuyển vào đại học, hồ sơ xin việc, chúng ta chưa có phần dành cho những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng của thí sinh. Những giải thưởng bình xét trong trường cũng chưa bao giờ có giải dành cho những hành động dũng cảm, những trái tim vàng.

Và chúng ta cũng không được dạy về kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng xử lý tình huống để làm người tốt hiệu quả. Đâu phải lúc nào nhìn thấy bạn mình bị đầu gấu bắt nạt, bạn cũng nên xông ra đánh lại? Sự nhiệt tình đặt không đúng chỗ thậm chí còn thành phá hoại đấy. Tôi cũng không cổ vũ các bạn làm hiệp sỹ đi bắt cướp đâu. Công việc đó phải dành cho những chiến sỹ cảnh sát SBC được đào tạo, huấn luyện, được học võ thuật, học tâm lý, được trang bị vũ khí, được quyền được nổ súng, được luật pháp bảo vệ. Đừng làm Lục Vân Tiên thiếu kỹ năng nha bạn!

Tôi nghĩ, bản chất của con người vẫn là hướng thiện, lương tâm không biến mất, lòng thương và sự chia sẻ cũng không biến mất. Trong thời gian “Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều”, không phải chúng ta vô cảm, chỉ là chúng ta bị sự LO LẮNG, THIẾU AN TOÀN đè át.

Tôi cũng vậy, đã nhiều lần tôi từng cho tiền một người ăn xin gãy chân, rồi ngỡ ngàng phát hiện ra là họ đóng kịch. Tôi cũng đã quyên tiền cho nhà sư, nhưng rồi sau đó đọc báo mới phát hiện là sư giả. Và gần đây nhất, tôi đã từng giúp một người ngã lăn ra đường, nhưng rồi té ngửa vì gặp Chí Phèo ăn vạ kiếm tiền… Tại sao ta không thể vô tư làm người tốt? Tại sao không thể cứ vô tư có một tấm lòng để gió cuốn đi? Thực ra chỉ vì trái tim cảm thấy THIẾU AN TOÀN nên ta SỢ PHIỀN TOÁI khi giúp đỡ người khác, ta SỢ BỊ LỪA, ta Sợ mình KHÔNG ĐỦ KỸ NĂNG, ta sợ nếu không “hôi vài thứ” ta sẽ không có được nó, nó sẽ MẤT vào tay người khác…

Thế nên, bên cạnh việc tác động tới Bộ Giáo dục & Đào tạo sớm xây dựng nền giáo dục đề cao những giải thưởng Friendliest friend, Community Service, hay Golden Heart, tôi chỉ ước ao, chúng ta, những trái tim trẻ trung, hãy liều lĩnh một chút đủ để dám hành động tốt!

Liều lĩnh và dũng cảm như cậu bé Trevor trong bộ phim Đáp đền tiếp nối (Pay it forward). Khi thầy giáo ra đề bài: “Một ý tưởng làm thay đổi thế giới”, Cậu đã đưa ra một dự án nghe thật hoang tưởng. Dự án của Trevor là “Khi ai đó giúp đỡ bạn, xin đừng trả ơn mà hãy làm ơn cho 3 người khác và 3 người sẽ giúp 9 người, 9 người giúp 27 người, cứ thế mà tiếp nối và mọi người sẽ mang lại điều tốt cho nhau... Thế giới sẽ thay đổi!”...

Tôi hiểu, khi teen mình vốn bị ép học quá nhiều thứ giáo điều nên hay dị ứng khi nghe ai rao giảng đạo đức. Nhưng trong bài này cho tôi xin 1 phút để nhắc tới Luật Nhân Quả ở dạng sơ đẳng nhất: Nếu một ngày nào đó, bạn hoặc người thân bị tai nạn rồi chỉ biết bất lực nhìn mọi người xông vào hôi của, bị ức hiếp mà bạn bè xung quanh làm lơ, bị đụng xe mà không ai đưa bạn vào bệnh viện... Thì sao?

Cuối cùng thì, như bố mẹ tôi vẫn dặn, trong cuộc sống nhiều bất ổn này chúng ta phải biết cách tự bảo vệ mình. Và tôi hiểu rằng: Cách bảo vệ mình hiệu quả nhất, mạnh mẽ nhất, an toàn nhất, chính là làm một người tử tế!
Facebook Thu Ha (Mẹ Xu Sim)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn