Lùi thực hiện chương trình phổ thông mới, phụ huynh mừng

17:21 | 03/11/2017;
Không nhiều người bất ngờ trước thông tin chương trình GD phổ thông mới lùi thời hạn thực hiện bởi ngay từ đầu, trước sự thay đổi lớn mang tính "sống còn" của GD, việc ra SGK và áp dụng luôn từ năm 2018 theo kế hoạch ban đầu đã được cho là bất khả thi.

Nghe đến đổi mới là… sợ

Là phụ huynh có con gái sẽ lên lớp 1 vào năm 2018, chị Nguyễn Thanh Hằng (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) thở phào nhẹ nhõm khi có thông tin Quốc hội đang xem xét đề xuất lùi thời hạn áp dụng chương trình mới. Chị cho biết, dù đọc kỹ về đề án đổi mới, nhưng bản thân chị không thoát khỏi ý nghĩ con mình sẽ trở thành “chuột bạch”.

“Lúc đầu khi mới công bố chương trình, tôi khá quan tâm trước thông tin năm học 2018 - 2019 sẽ thí điểm với cấp tiểu học cả chương trình lẫn bộ SGK mới. Hoang mang thì đúng hơn khi cứ nghĩ rằng, con mình vào lớp 1 sẽ học luôn chương trình mới mà bản thân tôi chưa hình dung hết về sự thay đổi này” - chị Hằng chia sẻ.

Lùi thời hạn thực hiện chương trình mới không nằm ngoài dự đoán của phụ huynh. Ảnh minh họa 

Theo nữ phụ huynh, ngay cả việc lấy ý kiến dư luận về cách tiếp cận chương trình, số môn học, những môn học mới,… Bộ GD&ĐT cũng thực hiện quá vội vàng, trong đó đối tượng phụ huynh chưa được nhắc đến nhiều trong việc lấy ý kiến.

Chị Hằng cho hay, sự thay đổi một chương trình học, đặc biệt là cấp tiểu học - cấp học mang tính nền tảng, có ảnh hưởng lớn đế cả quả trình học của con. Nếu cha mẹ không theo sát con mà phó mặc cho nhà trường, liệu đó có phải là bản chất của đổi mới? Đáng lẽ, phụ huynh cần được lấy ý kiến, thể hiện quan điểm của mình để góp ý cho chương trình, thay vì việc lấy ý kiến rất sơ sài như thời gian qua.

“Vì vậy, việc xin lùi thời hạn thực hiện chương trình, với tôi không có gì quá bất ngờ và là điều đáng mừng! Lùi thời hạn để bồi đắp chất lượng là điều nên làm, bởi phụ huynh chúng tôi rất sợ khi nhắc đến đổi mới. Lùi về mặt thời gian nhưng hãy “tiến” về chất lượng, tôi ủng hộ điều này”- chị thẳng thắn.

Lo lùi 1 năm vẫn chưa khả thi

Theo bà Lê Thị Thu Hồng (Thạc sĩ quản lý giáo dục- Tỉnh ủy Bắc Giang) nên cân nhắc việc lùi thời hạn chương trình mới 1 năm hay 2 năm. Theo bà, ngoài việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông dự kiến vào năm 2018, Chính phủ còn lo đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng về hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục.

“Với khối lượng công việc lớn này, trong khi xin lùi thời gian 1 năm liệu đã khả thi chưa, theo tôi nên cân nhắc. Thực tế cho thấy, vừa qua cơ bản các nội dung của nghị quyết theo lộ trình đều chậm, chưa đảm bảo theo đúng tiến độ. Ví dụ, chương trình tổng thể theo Quyết định 404 thì đến tháng 6 năm 2016 phải ban hành. Tuy nhiên, đến tháng 7 năm 2017 mới được Bộ GD&ĐT thông qua” - bà Thu Hồng nêu vấn đề.

Bà cũng lo ngại rằng, nếu kéo dài thời hạn lùi chương trình sẽ dẫn đến việc làm giảm động lực, tác động tới tâm thế đổi mới trong ngành giáo dục. “Tôi nghĩ cần cân nhắc thật kỹ, nếu kéo dài quá để làm giảm động lực thì cần làm rõ các vấn đề trước khi có một quyết sách rõ ràng, chính xác cho việc lùi thời hạn”- bà Lê Thị Thu Hồng cho biết.

Được biết, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mấy ngày qua đang làm “nóng” nghị trường Quốc hội khi Chính phủ đề xuất trước Quốc hội thông qua việc lùi thời hạn thực hiện chương trình thêm 1 hoặc 2 năm, thay vì thực hiện đúng tiến độ là 2018 như kế hoạch ban đầu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu trước Quốc hội cho biết, hiện các khâu đều triển khai chậm do với tiến độ như ban hành chương trình mới, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa và đặc biệt chậm trễ trong việc chuẩn bị giáo viên, cơ sở vật chất…

“Nếu triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018 - 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng” - ông Nhạ cho hay.

Vị đứng đầu ngành cũng khẳng định, dù phải chỉnh thời điểm bắt đầu áp dụng nhưng tổng thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn là 5 năm. Kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa theo lộ trình đã điều chỉnh cũng không phát sinh.

“Phương án mới sẽ có nhiều thời gian hơn để địa phương rà soát, sắp xếp, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; ưu tiên ngân sách địa phương và tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư bổ sung cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông để bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình”- ông nhấn mạnh thêm.

 “Nếu Quốc hội cho lùi thời hạn, người mừng nhất có lẽ là tôi!”

Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới - GS Nguyễn Minh Thuyết đã chia sẻ như vậy khi nói về phương án lùi thời hạn thực hiện chương trình. Ông nói vui rằng, ông và cộng sự vẫn đang làm ngày làm đêm để kịp tiến độ. Nếu Quốc hội quyết định chậm triển khai 1 năm, có lẽ người mừng nhất là ông khi đỡ phải thức đêm thức hôm liên tục để làm việc như hiện nay.

Một trong những trăn trở lớn nhất liên quan đến đổi mới chính là giáo viên. Theo đó, để đổi mới bền vững, cần có thời gian để tập huấn kỹ và có biện pháp đổi mới phương pháp tập huấn cho các giáo viên. Điều đáng ngại nhất là giáo viên có sẵn sàng đổi mới không. Đổi mới thì học sinh và xã hội có lợi, nhưng giáo viên sẽ vất vả hơn. Vì vậy, phải làm sao để gợi được cảm hứng và tạo được động lực cho thầy cô.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn