Luôn yêu nhau và luôn thuộc về nhau…

15:22 | 05/10/2015;
Cùng với sự lãng mạn, 'Bữa sáng ở Tiffany' cũng mang lại cho chúng ta một thông điệp về giá trị của tình bạn bên cạnh sự vĩnh cửu của tình yêu

Cô gái xinh đẹp Holly Golighly (Audrey Hepburn thủ vai) bỏ lại một tuổi thơ dữ dội và nhiều bí ẩn ở vùng quê Texas đến chốn giàu sang New York mong tìm một cơ hội đổi đời - “Tuýp” truyện đó không mới, nhưng Bữa sáng ở Tiffany lại rất thú vị và những điều thú vị ấy nằm ở cách kể.

Thú vị ngay từ tựa đề Bữa sáng ở Tiffany khi nó gói gọn trong đó mọi cơn cớ của cuộc đời Holly. Tiffany là một cửa hiệu trang sức - biểu tượng lấp lánh của sự giàu có vật chất, nơi Holly giữ thói quen đến ngắm vào mỗi sáng cùng một món điểm tâm trên tay.

Để đảm bảo được một chốn đi về ở giữa New York và hàng sáng đến Tiffany, Holly làm người đưa tin cho một tù nhân, đồng thời luôn không ngừng tìm kiếm những người đàn ông giàu có (và chỉ cần giàu có) để đổi đời.

Nhưng tình thế của Holly không diễn biến theo bi kịch thông thường của các cô gái trẻ ham giàu, mà liên tục bị giằng xé giữa phần trong trẻo, lãng mạn với sự bồng bột tuổi trẻ cùng những va đập của đời sống. Đặc biệt là từ khi cô gặp Paul Varjack (George Peppard thủ vai) - một người mê viết, đã có chút ít thành công nhưng phải làm “trai bao” vì không đủ sống bằng nghề. Từ sự cảm thông của những người bạn, những người cùng “cảnh ngộ”, Paul và Holly ngày càng nhận ra là họ đang thuộc về nhau…

Trường đoạn lãng mạn nhất của Bữa sáng ở Tiffany là khi Paul lặng ngắm Holly ngồi bên cửa sổ cùng cây guitar, tưởng như tan vào trong từng giai điệu của ca khúc Moon River (Sông trăng). Holly xinh đẹp và tham vọng nhưng không “trống rỗng” mà vẫn nuôi những khoảng ấm áp tình người trong trái tim cô.

Đó là nỗi khát khao hạnh phúc, sự nhớ thương Fred - người em trai đang trong quân ngũ, hay những yêu thương như ruột thịt với mèo Cat cô đơn mà cô từng nhặt về…

Holly đáng thương và đáng trọng cũng vì trong cô luôn mâu thuẫn và nổi loạn. Trường đoạn cuối cùng cũng chính là đỉnh điểm những mâu thuẫn của Holly. Thất vọng tràn trề khi phát hiện ra vị hôn phu tương lai - một chủ đồn điền đẹp trai giàu có ở Brazil bỏ rơi mình vì hèn nhát, Holly vẫn điên cuồng ra đi trên chuyến bay dù biết chắc không có người đón…

Chối bỏ tình cảm của Paul vì “Chúng ta chỉ là những kẻ vô danh tiểu tốt và không ai thuộc về ai” và nhất là đuổi mèo Cat ngay trong cơn mưa - Holly khiến cho Paul không thể chịu đựng thêm được nữa. Những gì anh giận dữ nói với cô đã khuấy động tâm can người xem và cũng thức tỉnh cả tình yêu dồn nèn bấy lâu của Holly:

“Không! Con người luôn yêu nhau và luôn thuộc về nhau. Bởi vì chỉ có vận may duy nhất đó mới có thể đem lại hạnh phúc!”…

Bộ phim Bữa sáng ở Tiffany được chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn cùng tên của Truman Capote viết năm 1958. Điều đáng nói là chất hài hước và châm biếm nhẹ nhàng về lối sống phù hoa ở tác phẩm văn học đã được bảo toàn nguyên vẹn và tinh tế trên màn ảnh… Nét duyên dáng, sự nổi giận và cách say của Audrey Hepburn trong vai nữ chính này cứ mê hoặc người xem…

Cùng với sự lãng mạn, Bữa sáng ở Tiffany cũng mang lại cho chúng ta một thông điệp về giá trị của tình bạn bên cạnh sự vĩnh cửu của tình yêu. Không chỉ là sự rung động hay hấp dẫn khác giới, mà còn là sự chân thành và cách chúng ta ở bên nhau trong những lúc khó khăn nhất mới là gốc rễ của một sự gắn kết lâu dài.

 Bữa sáng ở Tiffany còn cho thấy, hình như mọi bữa sáng trong cuộc đời của chúng ta đều diễn ra ở những cửa hàng trang sức Tiffany với khát vọng giàu có để hạnh phúc… Chỉ đến bữa tối của cuộc đời, sau rất nhiều đau khổ, ta mới nhận ra nụ hôn của tình yêu và cái ấm áp của tình người là điều duy nhất an ủi những vết thương tâm hồn mà không của cải nào chạm tới được.

Bữa sáng ở Tiffany do Blake Edwards đạo diễn, hãng Paramount phát hành. Tại giải Oscar 1961, phim đã được 5 đề cử và giành 2 tượng vàng ở hạng mục “Nhạc phim hay nhất” và “Ca khúc hay nhất”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn