"Với mình, tự do tài chính đơn giản là có khả năng chi trả mọi chi phí. Từ phí sinh hoạt trong cuộc sống đời thường, đến các chi phí phát sinh đột ngột như thất nghiệp, bệnh tật hay tai nạn. Chứ không phải là sự phung phí khi có nhiều tiền hay phải sống chắt góp bần tiện chỉ để đạt được tự do." Đức Thắng (29 tuổi, Hà Nội, kỹ sư phần mềm) chia sẻ về mục tiêu tài chính mà anh hướng tới trong tương lai.
Thắng cho biết để đạt được mục tiêu này, anh đã chiến đấu 16-18h làm việc/ngày, và làm thêm một số công việc khác để có thu nhập thụ động. Đây là chìa khóa giúp anh có được những khoản tích góp ban đầu.
Với Thắng, một nhân viên kỹ thuật hết sức bình thường làm việc cho một công ty tầm trung, nhận mức lương hơn 30 triệu mỗi tháng, thì tự do tài chính với anh là: "Không còn cảm thấy khó khăn trong vấn đề tiền bạc nữa. Đạt đến một cột mốc cố định, thì dù làm thêm nhiều việc hay ngồi không tiêu tiền, cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến cuộc sống." Nhưng bạn phải đủ thông minh để kiểm soát cả hai chiều. Và mục tiêu mà Thắng đặt ra: "Không thể sống tạm bợ cả đời với lương tháng."
Trong lúc lên kế hoạch để đạt được tự do sớm nhất, Thắng cũng có tính toán đến những rủi ro. Ví dụ như bỗng nhiên bị mất việc, đồng nghĩa với nguồn thu chính bị mất. Hay đầu tư thua lỗ, rơi vào cảnh nợ nần. Rồi những chi tiêu trong cuộc sống, bệnh tật, tai nạn gì đó,... Nhưng thật may, thế giới đang vận hành theo kiểu có sự bảo đảm cho tất cả những rủi ro đó.
"Thất nghiệp thì có bảo hiểm lao động, bảo hiểm xã hội trợ cấp. Đầu tư rủi ro thì có hỗ trợ từ các tổ chức tài chính. Bệnh tật, tai nạn đã có bảo hiểm nhân thọ cạnh bên. Rất nhiều thứ khác nữa. Chỉ quan trọng là bạn có biết sử dụng chúng đúng cách hay không?"
Theo đó, Thắng đã liệt kê hết những trường hợp này, và bắt đầu phân bổ từng chút một cho đến ngày hôm nay. "Mình là người lo xa, tính cũng xa. Những loại bảo hiểm có lợi mình đều đóng từ những năm 20 tuổi. Gói bảo hiểm mình lựa chọn sẽ tùy theo từng thời điểm và mức thu nhập khác nhau. Đại khái sẽ rơi vào 20% tổng thu nhập mỗi tháng. Từ đó, tính ngược lại số tiền có thể chi trả để lựa chọn sản phẩm phù hợp."
Sau khi trừ đi 20% số tiền bảo đảm này rồi, Thắng mới tính đến khoản chi phí sinh hoạt và đầu tư. "Sống ở đất Hà Nội, nhưng chưa bao giờ mình tiêu quá 30% thu nhập vào chi tiêu. Những cám dỗ của việc mua sắm, ăn chơi ngoài kia quả thực làm lỡ dở bao nhiêu người. Càng sống tối giản, càng không cần gì. Từ đó mà tiết kiệm được rất nhiều khoản không tên."
Và số tiền còn lại khoảng 50%, Thắng chọn sử dụng tùy vào từng thời điểm: "Lúc nào cần đầu tư, mình sẽ sử dụng toàn bộ để kiếm được món hời. Còn khi nào thị trường bấp bênh, kém ổn định, thì mình lại quay về việc tiết kiệm an toàn. Không nhất thiết lúc nào cũng cần song hành tiết kiệm và đầu tư." Hãy linh động trong cách sử dụng dòng tiền của mình.
Nếu làm một công việc duy nhất mà có thể đạt được tự do tài chính thì không cần phải làm thêm gì cho vất vả. Vấn đề ở đây, là không ai có khả năng kiếm được bộn tiền từ một công việc, trừ những chuyên gia. Vậy nên, những người làm công ăn lương nếu mong muốn đạt được tự do về tài chính, họ sẽ cố gắng rút ngắn thời gian làm việc nhanh nhất có thể. Vì khi càng có tuổi, cơ hội kiếm tiền sẽ ngày một ít.
Dù dành hầu hết thời gian trong ngày để làm việc, Thắng tự nhận không phải là người cuồng công việc đến mức độ làm đến bệnh mới nghỉ. Việc sử dụng 18 tiếng/ngày được Thắng lên kế hoạch rất kỹ càng. "Không phải ngày nào mình cũng làm việc nhiều đến thế. Mình rất ý thức về vấn đề thời gian và sức khỏe. Duy trì công việc từ 16-18 tiếng đã gần 10 năm, sức khỏe của mình vẫn được đánh giá là khá tốt. Mình cân bằng công việc thế này:
Hiện tại mình đang làm chủ 3 đầu việc: Một công việc chính kéo dài gần 10 tiếng/ngày. Hai đầu việc phụ là làm cố vấn phần mềm cho một công ty game, và đầu tư. Một tuần, mình dành ra 3-4 ngày làm việc năng suất nhất, để lên kế hoạch và thực hiện nó. Thời gian còn lại dùng để kiểm tra và đo lường hiệu quả. Việc lên kế hoạch cho từng giây phút trong cuộc đời là rất quan trọng.
Nhưng cũng nên chú ý đến sức khỏe của bản thân. Bên cạnh công việc, mình còn dành thời gian để tập thể dục, và đánh tennis 2 lần/tuần. Đây cũng là nơi để giao lưu các mối quan hệ tốt hơn trên bàn nhậu. Mình hay đùa mọi người câu này: Đừng mải mê kiếm tiền đến đến mức biệt thự hay siêu xe sau này là của người giúp việc!"
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn