Lương 5 triệu cũng đủ, mà 10 triệu cũng hết: Chàng trai thức tỉnh sau khi mất việc

16:25 | 04/11/2022;
Học cách quản lý tiền bạc thực sự rất quan trọng, nó quyết định phần lớn cuộc sống sau này của mỗi chúng ta.

Mình bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến tài chính cá nhân hơn khoảng giữa năm 2020. Đó cũng là thời điểm kinh tế của mình gặp khó khăn vì dịch bệnh. Phần vì nguồn thu không còn ổn định như trước, phần vì những khoản chi nằm ngoài dự kiến như thuốc thang, viện phí, tích trữ lương thực,... Một lúc cáng đáng nhiều khoản chi tiêu hơn đã khiến mình phải lên kế hoạch chi tiêu cụ thể cho từng khoản. Và sau khoảng 2 năm, mình hiện tại vẫn sử dụng bảng cân đối tài chính này vì nó hiệu quả, hoạt động tốt theo nhu cầu mình muốn”, Huy Ngô (SN 1994, ở Hà Nội), hiện tại đang làm quản lý nhân sự - chia sẻ.

Ngoài ra, Huy cũng cho rằng, việc tìm ra được 1 cách quản lý dòng tiền là cực kỳ quan trọng. Kể từ lúc anh chàng có tham gia vào việc đầu tư, bỏ thời gian tìm hiểu thêm về các loại báo cáo về tài chính, thì việc tạo ra 1 bảng cân đối chi tiêu trở nên dễ dàng và hữu dụng hơn.

Rắc rối tài chính: Làm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu

Trước đây, mình chưa từng sử dụng bất cứ một phương pháp “chuyên sâu” nào để quản lý tiền bạc. Làm ít thì tiêu ít, làm nhiều tiêu nhiều. Khi lương lên hàng chục triệu vẫn có tháng “rỗng túi”, hết sạch chẳng dư, mà thời điểm lương 5-7 triệu có khi tiêu vẫn đủ. Càng làm ra tiền nhiều hơn, nhu cầu trong cuộc sống cũng tăng cao hơn.

Hồi năm 2018, mình lên chức quản lý, lương cũng cao hơn, tiêu tiền vô bổ mà chẳng biết dành dụm là gì. Bỏ hàng chục triệu chỉ để mua 1 chiếc điện thoại, với lý do - cần cho công việc, nhưng thực chất đâu phải vậy. Đồ hiệu cũng sắm sửa nhiều hơn, như đôi giày, chiếc cà vạt, hay chiếc áo vest xịn,...

Sắm sửa rất nhiều đồ chỉ với suy nghĩ “Làm cao thì cũng cần xây dựng giao diện tốt”. Cứ cuốn theo vòng quay đó hoài, cũng thỉnh thoảng mình tự hỏi bản thân, rằng tiền cứ tiêu như vậy liệu có đáng? Nhưng vì nguồn thu khi đó khá tốt, tiêu tiền quen tay nên câu hỏi cứ mãi nằm đó chẳng ai giải quyết.

Lương 5 triệu cũng đủ, mà 10 triệu cũng hết: Chàng trai thức tỉnh sau khi mất việc - Ảnh 1.

Cho đến thời điểm cuối năm 2019, khi dịch bệnh bắt đầu gây ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Mình tạm thời “mất việc” vì khoảng thời gian đó người người nhà nhà đều rối, công ty mình cũng rơi vào trạng thái đóng băng khoảng vài tháng. Trong lúc khủng hoảng, mình sống hoàn toàn dựa vào tiền tiết kiệm. Chỉ khi nguồn thu cạn kiệt, mà tiền tiết kiệm lại chẳng thế tự sinh sôi, khiến mình rơi vào áp lực cho những khoản chi tiêu trong các tháng tới. Từ tiền thuê chung cư, điện nước, tiền đồ ăn hàng ngày, tiền thuốc thang,... cũng đủ khiến mình rối rắm. Điều may mắn nhất khi đó, có lẽ là mình không có khoản vay nợ nào phải trả.

Trong lúc rảnh rỗi, để khiến bản thân bớt suy nghĩ lung tung, bình quan tâm nhiều hơn đến tài chính. Chuyện đầu tư cũng khởi điểm lúc đó. Phần vì được giới thiệu, phần cũng là do tin tức tài chính liên tục được cập nhật, khiến mình trở nên hứng thú hơn. Và có lẽ, đây là cách cứu mình khỏi đống rắc rối về chuyện tiền bạc. Với suy nghĩ như vậy, mình dành hầu hết thời gian khi đó để đọc hàng trăm loại báo cáo tài chính của các công ty lớn nhỏ, mượn sách kinh tế của bạn bè để đọc, tra cứu thông tin và liên tục theo sát các bản tin tài chính. Chỉ khi đó, mình mới nhận ra những sai lầm nghiêm trọng trong cách quản lý dòng tiền. Nghĩ lại số tiền đã tiêu, mình tiếc nuối vô cùng, có lúc còn đặt câu hỏi “Sao mày ngốc vậy hả Huy?”.

Sử dụng bảng cân đối chi tiêu để quản lý tiền bạc

Việc nhận ra được những sai lầm rất quan trọng. Nó giúp bạn nhận ra mình đã từng tiêu tiền ngu nghếch đến thế nào? Nhưng sau đó, việc có mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tuân thủ theo những nguyên tắc chi tiêu sau này. Thử qua nhiều phương pháp, nhưng hiệu quả nhất với mình có lẽ là bảng cân đối chi tiêu.

Mục đích mình sử dụng bảng cân đối chi tiêu bao gồm:

- Kiểm soát dòng tiền ra vào hàng tháng

- Kiểm soát thu - nợ chặt chẽ

- Tổng chi hàng tháng là bao nhiêu, cụ thể là gì?

- Tính toán chi phí phát sinh ít nhất là 3 tháng tới

Để quản lý dễ dàng hơn, mình chia làm 2 tài khoản ngân hàng:

+ Tài khoản A: Đây là tài khoản chính dùng làm bảng cân đối. Mình dùng tài khoản này để nhận “tiền vào” như: Lương - Tiền làm thêm - Tiền vay mượn. Và kiểm soát khoản “tiền ra”: Chi tiêu - Tiết kiệm - Đầu tư.

+ Tài khoản B: Là tài khoản phụ chỉ dùng cho mục đích chi tiêu. Mình sẽ tính toán số tiền cần chi trong 1 tháng, và chia nó ra làm 2 lần để chuyển từ A sang B vào đầu tháng và giữa tháng.

Cụ thể trong từng tài khoản, mình sẽ chia như sau:

Lương 5 triệu cũng đủ, mà 10 triệu cũng hết: Chàng trai thức tỉnh sau khi mất việc - Ảnh 2.

Bảng cân đối chi tiêu - Ảnh: NVCC

Bảng cân đối chi tiêu - Tài khoản A

- Income (Tiền vào): Sẽ bao gồm các khoản tiền chảy vào tài khoản của mình từ nguồn khác. Chủ yếu đến từ lương và tiền làm thêm hàng tháng.

- Số dư tháng trước: Đây là số tiền còn lại của mình sau mỗi cuối tháng. Ví dụ, đến cuối tháng 12, sau khi đã chi tiêu, tiết kiệm, trả nợ, mình còn lại 10 triệu, thì sẽ được ghi vào khoản này.

- Liabilities: (Nợ phải trả): Thể hiện tất cả số nợ bạn đang có. Ví dụ: Nợ thẻ tín dụng, nợ từ vay mượn, nợ phải trả trong tháng,... Khi mục này xuất hiện, bạn sẽ rõ ràng được hàng tháng mình cần dành ra bao nhiêu tiền để trả nợ. Từ đó, có thể điều chỉnh mức chi tiêu trong tháng này. Đã có thời điểm, mình chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Điều này đã khiến mình nhập nhằng giữa số tiền được tiêu và tiền trả nợ. Vậy nên sau này, mình đã chuyển hết tiền đang có sang thẻ thường, và chỉ sử dụng thẻ tín dụng cho mục đích vay nợ.

- Outcome (Tiền ra): Bao gồm tất cả những khoản mình chi trong tháng này như: chi tiêu, trả nợ, tiết kiệm, đầu tư, ăn cưới, đám hỏi,...

- Chi tiêu hàng tháng: Đây sẽ là khoản tiền mình chuyển riêng sang tài khoản B để kiểm soát chặt chẽ nhất. Ví dụ, 1 tháng mình tiêu hết 10 triệu, mình sẽ chia thành 2 đợt để chuyển sang tài khoản B. 1 lần là đầu tháng, và 1 lần giữa tháng. Lúc này, tất cả những khoản tiền cần chi, mình sẽ cho sang quản lý ở tài khoản B, sẽ làm bảng chi tiêu tài khoản A trông gọn gàng và dễ kiểm soát hơn.

- Tổng chi: Cộng hết tất cả khoản chi ở mục “Outcome” để biết được tháng này tiêu hết bao nhiêu vào mục đích gì.

- Số dư còn lại = Income + Số dư cuối - Tổng chi: Thể hiện số tiền còn lại trong tài khoản A của mình.

Mục đích xây dựng tài khoản A là để mình có thể quản lý những đầu mục chính trong chuyện chi tiêu, mà không cần chia nhỏ quá chi tiết. Khi nhìn vào bảng cân đối của tài khoản này, mình sẽ không bị rối bởi những khoản chi vụn vặt như chuyện cơm áo hàng ngày.

Chính vì tài khoản A rất “tối giản” bằng những “khoản tiền lớn” như thế, nên bảng cân đối chi tiêu cho tài khoản B ra đời. Nó giúp mình quản lý những chi tiêu lắt nhắt. Đây là tài khoản mình chỉ quản lý tương đối, vì nhu cầu hiện tại hàng tháng của mình gần như không thay đổi. Nên con số tổng kết lại hàng tháng cũng xấp xỉ bằng nhau. Chỉ có tháng nào chi tiêu thâm hụt, mình mới ghi chú lại rõ ràng hơn.

Ngoài ra, trong tài khoản B, mình có bổ sung thêm 1 mục là “Các chi phí phát sinh”. Hầu như những tháng cuối năm, con số phát sinh này sẽ tăng lên đáng kể. Nào là quà cho sếp trong những dịp lễ tết, lễ cuối năm, quà cho ba mẹ, gia đình, bạn bè trong các dịp lễ hội hoặc ngày kỉ niệm, chi phí về quê ăn tết,... Nói chung, những khoản chi phí phát sinh này bạn nên chuẩn bị thật kỹ, tránh tình trạng tháng cuối năm tiêu thâm hụt hơn mà chẳng biết là tiêu cho khoản gì.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn