Mức lương cứng 10 triệu đã từng là mơ ước của biết bao nhiêu thế hệ sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, một số bạn trẻ cho biết, dù sở hữu lương cứng 10 triệu/tháng, cũng không đáp ứng đủ những nhu cầu sống ở các thành phố lớn. Công sức bỏ ra để nhận được lương cứng 10 triệu thực sự là đổ mồ hôi, rơi nước mắt.
Trần Nhi (24 tuổi, nhân viên bán hàng) cho biết: "Công việc đầu tiên mình nhận có mức lương cứng chỉ 6 triệu, có kèm doanh số bán hàng. Thời điểm đó là cuối năm 2020, so với mức lương cùng ngành đã là mức trung bình. Với 1 sinh viên mới ra trường khi đó, lương 1 tháng cộng cả hoa hồng mới hơn 10 triệu một chút. Nhưng sau tháng lương 10 triệu đó, là những cuộc gọi lúc 2-3h sáng của khách, những hợp đồng phải xử lý hàng ngày, tháng nào cũng phải đi khảo sát, tặng quà đối tác... Thực sự khác rất nhiều so với suy nghĩ hồi đại học của mình. Đến thời điểm 2 năm sau đi làm, mình cũng đã nhận được mức lương cứng hơn 10 triệu, đó là cả một chặng đường dài cố gắng".
Không chỉ riêng Trần Nhi (24 tuổi, Nhân viên bán hàng) có quan điểm rằng "Mức lương cứng 10 triệu vẫn là mong muốn của những người trẻ". Mà 2 bạn trẻ: Lan Anh (23 tuổi, Nhân viên tài chính, TP HCM) và Khánh Ly (23 tuổi, Nhân viên Marketing, Hà Nội) cũng có chung quan điểm, dù đã đi làm được 1 năm.
Lan Anh (23 tuổi, Nhân viên tài chính, TP HCM) chia sẻ: “Trước đây, mình học khoa du lịch của một trường trong TP HCM. Sau khi tốt nghiệp, cứ ngỡ sẽ theo đuổi đam mê, làm hướng dẫn viên du lịch, lương tháng kiếm 8 con số là đơn giản. Nhưng từ khi đi phỏng vấn, mọi thứ dần trở nên hiện thực hóa hơn. Hóa ra, mức lương cứng 8 con số mà mình vẫn nghĩ là dễ kiếm, chỉ đúng với những người đã làm nghề được vài năm. Còn đối với sinh viên mới ra trường như mình, mức lương cứng mà nhà tuyển dụng đưa ra chỉ là 6-7 triệu đồng/tháng, có thêm hoa hồng nếu đạt doanh số. Khi nghe về mức lương đó, quả thực mình cũng hơi sốc, nó thấp hơn mình nghĩ rất nhiều. Sau đó, mình cũng có phỏng vấn thêm vài nơi, nhưng cùng một vị trí công việc thì dù ở công ty lớn hay nhỏ, mức lương cứng cũng ngang nhau, chỉ khác ở chế độ lương thưởng và hoa hồng".
Dù đã từng nghĩ kiếm hàng chục triệu/tháng là đơn giản, nhưng Khánh Ly (23 tuổi, Nhân viên Marketing, Hà Nội) đã có những trải nghiệm thực tế từ rất sớm: “Nhớ khi mới vào năm nhất, mình cũng đã nghĩ về chuyện nhận làm việc với mức lương cứng 10 triệu/tháng, ngoài ra công ty phải hỗ trợ thêm các đãi ngộ khác. Nhưng đến năm ba, suy nghĩ của mình chỉ dừng ở con số 15 triệu. Sau khoảng 1 năm đi làm, thì mức lương cứng 10 triệu đã làm mình cảm thấy có một chút tự hào. Không phải bởi vì lương cao, mà là đối với một người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, vẫn được làm ở một công ty có tiếng và nhận được mức lương ổn định hàng tháng. Mình cũng từng cảm thấy bất ngờ với mức lương cứng mà những người trẻ như mình nhận được từ các công ty thấp hơn nhiều so với tưởng tượng. Đii làm rồi mới biết: Để kiếm được mức lương cứng 10 triệu, kỹ năng và kinh nghiệm của bạn cũng phải ở mức trung bình khá. Nếu như có kỹ năng tốt hơn, kinh nghiệm nhiều hơn, và có khả năng làm trong những ngành nghề kiếm nhiều tiền như công nghệ, bác sĩ, thì chắc chắn là lương cứng cao hơn rồi.
Sếp hiện tại của mình đã từng nói: Hồi năm 2014, mức lương cứng của sếp nhận được cũng chỉ 2,5 triệu/tháng cộng thêm hoa hồng. Mà khi đó, vị trí sếp mình đảm nhiệm cũng đã là trưởng nhóm, trong một công ty khá có tiếng. Dù sếp mình có bằng du học, thành thạo 2 ngôn ngữ, nhưng mức lương cứng thời đó kiếm cũng hạn chế. Phần vì thiếu kinh nghiệm thực tiễn, phần vì mức hoa hồng và đãi ngộ công ty tốt, đồng tiền khi đó cũng có giá hơn bây giờ. Vậy nên, sau khi đi làm được 1 năm, mình đã dần chấp nhận việc các công ty đưa ra mức lương cứng thấp hơn 10 triệu đồng, bù lại là những đãi ngộ đi kèm. Vì nhìn ở khía cạnh lâu dài, ngoài lương cứng mình sẽ còn được nhận thêm các khoản trợ cấp khác.”
Không chỉ riêng những thế hệ đi trước, nhiều người trẻ mới đi làm bây giờ hầu hết đều mơ ước về mức lương cứng 10 triệu. Bởi vì đa số đều sống và làm việc ở các thành phố lớn, việc chi tiêu hàng tháng nếu chỉ sở hữu mức lương cứng đó, cũng là một bài toán khó với họ.
Trần Nhi (24 tuổi) chia sẻ: “Lương cứng 1 tháng chỉ hơn 10 triệu 1 chút, hoa hồng thì mỗi tháng một khác, nhưng mình phải chi trả cho rất nhiều khoản. Vì sống xa gia đình, nên mình mất tiền thuê nhà để ở, chi phí tính ra 1 tháng cũng khoảng 2 triệu. Thêm nữa là tiền ăn, mình chủ yếu ăn cơm nhà và nấu cơm mang đi làm, chi phí 1 tháng cũng mất khoảng 2-2,5 triệu. Còn tiền xăng xe, đi lại, đôi khi có lịch công tác cũng mất thêm phụ phí đi kèm. Khoản này cũng tiêu tốn thêm 1-1,5 triệu tùy tháng. Chưa kể còn có tiền gửi cho ba mẹ, tiền cho em gái, tiền ăn uống tụ tập cùng bạn bè mỗi tháng lại tốn thêm 1 ít. Trung bình cứ đến cuối tháng, mình cũng chỉ dư 1-2 triệu tiền lương của công việc chính.
Những nhu cầu ở trên đều khá cơ bản, mức sống cũng không cao. Nhưng tính ra, nếu chỉ nhận lương cứng 10 triệu làm sao có dư nếu bạn sống ở những thành phố lớn ở Hà Nội, TP HCM. Vậy nên, mình luôn kiếm những công việc làm thêm ở ngoài để thu nhập tốt hơn. Có đôi khi, mình nhận những dự án như thiết kế các mẫu để bán trên các sàn thương mại điện tử, nhận quản lý các trang mạng xã hội, nhận viết kịch bản,... Ngoài ra, cứ mỗi cuối tuần mình có nhận dạy gia sư cho các em nhỏ. Vậy nên, thu nhập trung bình hàng tháng cũng khá ổn, đủ có dư để bỏ tài khoản tiết kiệm. Mức lương cứng 10 triệu đã từng là mong muốn của mình. Nhưng xét về yếu tố ngành nghề, tính chất công việc mình đang theo đuổi, mặt sàn lương chung, so với một người trẻ mới đi làm, thì mình cũng cảm thấy may mắn. Vì so ra với một số bạn bè cùng trang lứa, cũng có nhiều người bạn còn đang chật vật tìm việc, chứ đừng nói là một công việc có đãi ngộ tốt và tháng kiếm đều đặn 10 triệu, chưa kể những khoản phụ cấp khác”.
Khác với Trần Nhi, Khánh Ly (23 tuổi, Hà Nội) sống cùng ba mẹ, nên việc tiết kiệm tiền dù lương cứng là 10 triệu, trở nên dễ dàng hơn: “Không có áp lực về tiền nhà hay tiền ăn, nên mức chi tiêu của mình vẫn luôn được đảm bảo. Hơn nữa, mình có nhận dạy đàn piano 1 kèm 1, đó cũng là khoản tay trái giúp mình kiếm thêm kha khá. Thu nhập trung bình hàng tháng cũng gọi là tạm ổn so với một người mới đi làm.
Mình phân chia nguồn thu nhập thành 3 khoản: Chi tiêu - Khẩn cấp - Tiết kiệm theo tỷ lệ 40:20:40.
- Chi tiêu (40% thu nhập): Đây là khoản mình dành để phục vụ những nhu cầu cơ bản nhất: ăn uống, xăng xe, tụ tập cùng bạn bè, mua sắm... Và mình luôn giữ con số này kể từ khi bắt đầu kiếm ra tiền. Thu nhập tăng lên, thì nhu cầu tăng lên. Nhưng mình luôn luôn để mức chi tiêu này dưới 40% tổng thu nhập.
- Khẩn cấp (20% thu nhập): Dành cho những tháng có việc đột xuất như bạn bè cưới xin, dịp lễ, đi du lịch cùng bạn bè, và đôi khi là sinh nhật. Có những tháng, mình sẽ cần dùng tới khoản khẩn cấp này, có tháng thì không. Vậy nên cứ sau 3 tháng, mình gom hết số tiền còn dư trong khoản này, đem bỏ vào tài khoản tiết kiệm. Mình gửi số tiền này trong loại ví điện tử sinh lãi hàng ngày, nhưng vẫn có thể rút ra bất cứ lúc nào.
- Tiết kiệm (40% thu nhập): Mình lập riêng một tài khoản dành cho tiết kiệm. Loại tài khoản này hạn chế rút ra hàng tháng, nếu rút ra thì phải chấp nhận mất hết lãi của những tháng tích lũy trước đó. Hiện tại, mình cảm thấy khá an toàn về mặt tài chính nhờ có khoản tiết kiệm đều đặn hàng tháng này.”
Khánh Ly cũng cho biết thêm, không quan trọng là kiếm được bao nhiêu tiền, mà quan trọng là bạn quản lý tiền của mình như thế nào. Dù ở một mức lương nào, nếu học quản lý tài chính cá nhân từ sớm, thì vẫn có thể chi tiêu trong tầm kiểm soát. Người nhận lương cứng 7-8 triệu tiêu cũng vừa đủ, mà lương cứng 10 triệu cũng có cách tính riêng.
Tuy vậy, việc gia tăng nguồn thu nhập là điều mà cả Nhi, Ly và Lan Anh đều đang phấn đấu. Cả 3 đều cho biết rằng, mức lương cứng 10 triệu tuy là mơ ước, nhưng để nhận được mức lương đó với những người trẻ mới đi làm là điều không hề dễ dàng!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn